Đến tham dự Kỳ đài Hồ Gươm lần thứ 21 có: Bà Nguyễn Thị Anh Thư - Tổng Thư ký Liên đoàn Cờ Việt Nam; Ông Lưu Đức Hải - Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Cờ Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Cờ Hồ Gươm; Ông Vũ Văn Tuyến - Giám đốc Ngân hàng BIDV Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình); Ông Trần Ngọc Sơn - Giám đốc Khách sạn Heritage; Bà Nguyễn Thị Nhung - Đại diện Trung tâm Thông tin Văn hoá Hồ Gươm thuộc quận Hoàn Kiếm; Bà Lê Thị Hồng Vinh và Lê Thị Hồng Phương - Con gái của cố danh kỳ Lê Uy Vệ; Ông Trần Văn Vũ Hưng, Chủ nhiệm CLB Kinh Kỳ; Ông Nguyễn Thế Trí - Chủ nhiệm CLB Việt Sơn; Ông Nguyễn Bá Đức - Chủ nhiệm CLB Sơn Đồng; Ông Bùi Đình Quang - Chủ nhiệm CLB Hà Thành; Ông Trương Mạnh Toàn - Chủ nhiệm CLB Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình); Ông Đậu Xuân Ngọc - Chủ nhiệm CLB Kim Đồng; Tổng trọng tài trận đấu Cầm Đăng Khoa cùng đông đảo người yêu cờ, khách du lịch trên khu vực phố đi bộ Hồ Gươm.
Kỳ đài Hồ Gươm lần thứ 21 gồm có 2 phần:
1) Giới thiệu thân thế, sự nghiệp và ván cờ tiêu biểu của cố danh kỳ Lê Uy Vệ (17/3/1917-3/2/2011, Hà Nội) - Vô địch cờ Tướng Bắc kỳ các năm 1939, 1940, 1941, 1942;
2) Giải Cờ Tướng đồng đội CLB Cờ Hồ Gươm mở rộng lần thứ hai giữa 8 CLB: Sơn Đồng, Hà Thành, Kinh Kỳ, Mạnh Sơn (Ninh Bình), Kỳ Đạo Quán (Hoài Đức), Việt Sơn, Kim Đồng và Hồ Gươm.
Ông Lưu Đức Hải - Chủ nhiệm CLB Cờ Hồ Gươm thay mặt Ban Tổ Chức đã giới thiệu tóm tắt thân thế, sự nghiệp của cố danh thủ Lê Uy Vệ. Lê Uy Vệ quê quán ở thôn Từ Dương, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông nay là Hà Nội. Ông là một trong 4 người từng được mệnh danh là “Tứ hùng Bắc kỳ” về cờ Tướng hồi đầu thế kỷ 20 (gồm Lục Văn Chi - Chu Văn Bột - Nguyễn Thi Hùng - Lê Uy Vệ). Thành tích cao nhất trong cuộc đời kỳ nghiệp của ông là Vô địch cờ Tướng Bắc Kỳ các năm 1939, 1940, 1941, 1942 (giải đầu tiên được tổ chức vào năm 1936). Ông cũng từng 3 lần liền đoạt ngôi Quán quân cờ Tướng lễ hội chùa Vua năm 1939, 1940 và 1941 và được khắc tên trong Bia đá của chùa. Ông còn là Phó Chủ tịch Hội Cờ Tướng Việt Nam và Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam suốt 40 năm liên tục (1965-2004).
Ông Nguyễn Ngọc Phan An đã giới thiệu và bình luận ván cờ tiêu biểu của 2 cố danh kỳ Lê Uy Vệ (hậu thắng) gặp Nguyễn Đắc Đinh diễn ra tại Hà Nội chào mừng ngày Quốc khánh 2/9/1958.
Giải Cờ Tướng đồng đội CLB Cờ Hồ Gươm mở rộng lần thứ hai: Theo điều lệ của giải đấu, 8 CLB (mỗi đội 2 kỳ thủ) cử 16 kỳ thủ đại diện cho CLB tham gia thi đấu cờ Tướng, thể thức bốc thăm đối đầu trực tiếp, 4 đội thắng cuộc sẽ lọt vào vòng bán kết, 2 đội thắng ở bán kết sẽ thi đấu chung kết tìm ra đội vô địch và đội giải nhì; Hai đội thua ở vòng bán kết sẽ tranh giải ba và giải tư; 4 đội thua cuộc ở vòng 1 sẽ tranh giải 5-6 và 7-8. Mỗi cặp kỳ thủ sẽ đánh 2 ván cờ Tướng (đi trước và đi sau) với thời gian là 20 phút/mỗi bên.
Sau gần 3 giờ tranh tài quyết liệt và đầy kịch tính, kết quả trận tranh giải nhất, nhì CLB Việt Sơn (gồm Dương Đình Chung và Lê Hải Ninh) xuất sắc giành giải nhất khi đánh bại CLB Kinh Kỳ (đoạt giải nhì, gồm Nguyễn Minh Hưng và Phan Anh Tuấn) với tỷ số 3 điểm:1 điểm. Ở trận tranh giải ba, tư sau hơn 1 giờ thi đấu CLB Kỳ Đạo Quán (Hoài Đức, gồm Nguyễn Công Cứ và Nguyễn Phú Tuấn) đã giành giải ba khi thắng CLB Kim Đồng (giải tư, gồm Nguyễn Phi Liêm và Nguyễn Huy Hùng) với tỷ số 3 điểm:1 điểm; Giải 5-6 thuộc về CLB Sơn Đồng (gồm Nguyễn Bá Đức và Tài Quang Tưởng) và CLB Mạnh Sơn (gồm Vũ Văn Tuyến và Chu Tuấn Hải); Giải 7-8 thuộc về CLB Hà Thành (gồm Bùi Đình Quang và Chu Tuấn Anh) và CLB Hồ Gươm (gồm Nguyễn Văn Thật và Đỗ Văn Hà).
Sáng Chủ nhật 13/8/2017 (từ 8:30-12:00) sẽ là Kỳ đài Hồ Gươm lần thứ 22, dự kiến Phần 1: Giới thiệu thân thế, sự nghiệp của danh thủ Lê Đình Hoan, Vô địch cờ Tướng Lễ hội Chùa Vua 1959, Kỳ thủ “Hoạ - Kỳ song tuyệt”. Phần 2: Trận đấu giao hữu giữa CLB Cờ Hồ Gươm và CLB Cờ Tướng thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Mỗi đội có 7 kỳ thủ, mỗi cặp thi đấu 2 ván cờ nhanh 30 phút/mỗi bên (có ghi biên bản ván đấu).
Thông tin về Kỳ đài xem trên trang kyvienhanoi.com, mục CLB Cờ Hồ Gươm; hoặc vietnamchess.vn, mục các CLB + kỳ đài.