Dù còn khá nhiều tranh cãi về nguồn gốc của cờ tướng nhưng theo nhận định thống nhất của các nhà chuyên môn, trò chơi trí tuệ này ra đời từ thế kỷ VII trên nền tảng của Saturanga, một loại cờ cổ được phát minh ở Ấn Độ trước đó khoảng 200 năm. Saturanga sau này đi về phía Tây, cách tân để trở thành cờ vua và đi về phía Đông, biến thể thành cờ tướng.
Cờ tướng đi vào lịch sử Trung Quốc từ thời cận đại
Ban đầu là thú vui giải trí của tầng lớp vua chúa, quý tộc Trung Hoa thời Chiến quốc với tên gọi là Tượng kỳ nhưng cơ cấu quân cờ, cách thức thi đấu còn rất đơn giản, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, dần dần người ta bổ sung quân Pháo, giảm bớt số lượng quân Tốt, định rõ vai trò, nhiệm vụ của quân Sĩ, hoàn chỉnh bàn cờ với cửu cung và sông ngăn cách… Cuối thế kỷ XII sang đến đầu thế kỷ XIII, cờ tướng mới thực sự hoàn chỉnh từ bàn cờ, quân cờ cho đến các quy tắc, luật chơi.
Quân cờ tượng hình bằng đồng có niên đại hàng trăm năm
Mặc nhiên được xem là xứ sở khởi thủy của cờ tướng, Trung Quốc ra sức cổ xúy, phát triển loại hình này, trong đó, ngoài việc củng cố giai thoại về các “thánh” cờ như Trần Đoàn, ổn định chữ viết trên các quân cờ, còn có có việc cải tiến, hoàn thiện cũng như đa dạng hóa các sản phẩm cờ. Hai cựu danh thủ Lê Thiên Vị và Hoàng Đình Hồng khi dẫn dắt đội tuyển cờ tướng Việt Nam đi thi đấu ở Sơn Đông nhiều năm trước đã từng tặc lưỡi ngẩn ngơ trước bộ quân cờ làm bằng một loại bảo thạch trị giá gần 400 triệu đồng Việt Nam!
Bộ quân cờ làm bằng lá trà sắc sảo nhưng không dùng để thi đấu
Quân cờ khổng lồ đặt bên cạnh bộ cờ bình thường
Bộ cờ tướng làm bằng... chocolate do một nhà hàng danh tiếng thực hiện năm 2010
Chính từ lần ngẩn ngơ đó mà nguyên HLV trưởng Lê Thiên Vị đã cố công sưu tầm các loại bàn cờ, quân cờ tướng… qua những lần đi thi đấu ở nước ngoài. Trong căn nhà nhỏ ở quận 8 (TP HCM), ông hiện lưu giữ bộ sưu tập cờ tướng được xem lớn nhất Việt Nam với trên 200 bộ, do ông tự mua hoặc được bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài nước gửi tặng. Độc đáo nhất thì chưa dám tự nhận nhưng “Thiên hạ đệ nhất ác” Lê Thiên Vị - theo biệt danh mà đồng đạo làng cờ gán tặng khi còn thi đấu – lại sở hữu những bộ cờ có một không hai, như bộ cờ làm bằng… lá trà mà sau nhiều năm vẫn còn thoang thoảng hương thơm, hay bộ quân cờ tượng hình do cô học trò Nguyễn Hoàng Yến mua tặng, bộ quân cờ bằng đồng thau do một người hâm mộ kỳ công thực hiện và gửi biếu, riêng công thực hiện (tiện, chạm trổ) mỗi quân cờ đã có giá 70.000 đồng cách đây vài năm! Ngoài ra, một người hâm mộ cũng tặng ông bộ cờ tướng lớn nhất Việt Nam, bàn có kích cỡ 1,8m x 2m, mỗi quân cờ có đường kính 12 cm, tất cả đều được làm bằng loại gỗ quý, càng cầm càng lên nước rất đẹp. Ông cũng may mắn giữ được 2 bộ cờ được làm bằng gồm sứ mà hãng Minh Long sản xuất theo số lượng đặt hàng rất ít và chỉ làm một lần rồi thôi. Tuy nhiên, ông thích nhất bộ quân cờ làm bằng sừng trâu được trao thưởng vào năm 1966 ở giải cờ miền Nam, sau khi thua trận trước danh kỳ Quách Anh Tú.
Quân cờ làm bằng gỗ trắc
Quân cờ làm bằng gỗ tre ép, không thấm nước
Bộ quân cờ được làm bằng đồng thau
Bộ quân cờ làm bằng gốm sứ Minh Long
Nhà vô địch châu Á, á quân đơn nữ thế giới Nguyễn Hoàng Yến lại đặc biệt yêu thích việc sưu tầm các bộ quân cờ hiện đại và mở hẳn một cửa hàng mua bán sản phẩm cờ ở Q.5, cung cấp theo yêu cầu của người hâm mộ, từ bộ cờ bằng nhựa do hãng Quảng Thành Lợi sản xuất phục vụ người mới chơi cờ, cho đến các bộ cờ cao cấp được sản xuất bằng gỗ mun, gỗ trắc hay mới nhất là bộ quân cờ bằng pha lê (có nơi làm bằng nhựa trong), có khắc chìm hình ảnh 3D theo tên gọi từng quân cờ… Cô cho biết, giá cả các loại sản phẩm này dao động từ vài chục nghìn đồng cho đến 3 hoặc 4 triệu đồng, chủ yếu hàng nhập về từ Trung Quốc. Riêng bàn cờ đa phần được sản xuất trong nước, làm hoàn toàn bằng thủ công theo đơn đặt hàng, bảo đảm tính độc đáo và cả nguồn gốc “độc bản”.
Bộ bàn và quân cờ "Hán Sở tranh bá" có in hình chạm 3D
Hình vị Tướng khắc chìm bên trong quân Tướng
Lướt một vòng trên mạng, người ta có thể tìm thấy rất nhiều cửa hàng trực tuyến tương tự nhưng để giới thiệu một cách đầy đủ về nguồn gốc, ý nghĩa của từng loại sản phẩm có lẽ không ai “qua” được Hoàng Yến, nhất là cô có thể tư vấn đầy đủ theo nhu cầu của từng đối tượng chơi cờ. Các trang mạng buôn bán từ Trung Quốc cũng sẵn sàng thực hiện mọi giao dịch theo yêu cầu, cung cấp các sản phẩm cờ làm thủ công, trị giá từ vài USD cho đến trên cả nghìn USD, tùy theo độ sắc sảo của quân cờ cũng như niên đại của chúng. Ở Việt Nam, giới hâm mộ từng truyền tai nhau về bộ quân cờ làm toàn bằng vàng 24K của một bác sĩ nhà ở huyện Bình Chánh nhưng chưa mấy ai được “mục sở thị” tác phẩm này, có lẽ vì lý do an toàn cho bộ sưu tập chăng…… Nguyên trưởng bộ môn cờ Sở TDTT Hà Nội Nguyễn Ngọc Phan An lưu giữ bộ cờ được xem là vô giá được làm bằng ngọc, tương truyền thuộc về vua Tự Đức thời nhà Nguyễn, có niên đại từ năm 1847.
Bộ cờ tướng làm bằng hai loại ngọc men xanh và trắng, được cho là thuộc về vua Tự Đức
Giới chuyên môn nói vui, giá trị các quân cờ có là bao nhiêu đi nữa, làm bằng vật liệu quý hiếm đến đâu đi nữa có lẽ không thể sánh bằng các “quân cờ người”. Đây là sản phẩm hoàn toàn mang dấu ấn trí tuệ và sáng tạo của người Việt Nam, xuất hiện từ rất lâu tại các lễ hội dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ sau này vào cả miền Nam.
Cờ người là hình thức sáng tạo của người yêu cờ Việt Nam
Thi đấu cờ người tại một lễ hội đầu Xuân
Quân cờ người là những nam thanh nữ tú được tuyển chọn, đẹp người, đẹp nết mặc triều phục cung đình ngày xưa, chân đi hài thêu, lọng che. Sau này, ở miền Nam, võ phái Thiếu Lâm Tân Khánh Bà Trà của cố võ sư Hồ Tường phát triển loại hình võ thuật cờ người, mỗi nước ăn quân đều có màn giao chiến giữa các võ sinh thể hiện vị trí quân, phô diễn những nét đặc sắc của võ thuật dân tộc khiến người hâm mộ không thể dứt ra trước khi ván cờ người kết thúc, thường là hàng giờ.
Theo quan niệm thời xưa, người quân tử luôn phải rèn mình theo tiêu chuẩn “văn võ song toàn”, trong đó, ngoài tinh thông thập bát ban võ nghệ, vận dụng được mọi kế sách cầm quân phần “võ” thì ở mảng “văn”, phải am hiểu “cầm, kỳ, thi, họa”. “Kỳ” ở đây là cờ tướng, chỉ đứng thứ hai sau đàn và đứng trên thơ lẫn họa. Cờ tướng trở thành thú vui tao nhã mà người chơi qua đó để làm thư thái tâm hồn chứ không màng chuyện thắng thua, như những câu thơ trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du: "Đôi phen nét vẽ câu thơ/ Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa” và "Khi chén rượu, khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”.
Quân cờ vua của hãng pha lê danh tiếng Baccarat trị giá hàng chục nghìn USD
Riêng cờ vua, phương Tây thậm chí còn đi nhanh hơn cả những gì người Trung Quốc đã làm với cờ tướng. Được chế tác từ các vật liệu quý như vàng, bạc, kim cương hoặc các loại đá quý khác đã khiến các bộ cờ vua trở thành một loại tài sản giá trị cao, từ vài chục nghìn USD cho đến vài triệu USD. Tại Việt Nam, nhân Giải quốc tế HD Bank 2015, một nghệ nhân ở TP HCM đã làm tặng cho Ban tổ chức một bộ bàn và quân cờ bằng đồng thau hết sức tinh xảo, tổng khối lượng lên đến trên 30 kg. Chính Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam, ông Đặng Tất Thắng, nổi tiếng đi nhiều và biết nhiều cũng phải tấm tắc khen bộ cờ “độc nhất vô nhị” này.
Bộ bàn và quân cờ bằng đồng nặng 31kg độc nhất vô nhị tại Việt Nam
Làng cờ Việt, kể cả cờ tướng, cờ vua và gần đây phát triển thêm cờ vây, đã sản sinh ra nhiều nhân tài: Xưa có trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, trạng Lợn Nguyễn Nghiêu Tư, thời cận đại có các danh kỳ Nguyễn Văn Ngoan, Nguyễn Thành Hội, Hà Quang Bố, Đặng Đình Yến, Phạm Nam Đài, Phạm Thanh Mai, Phạm Tấn Hòa, Quách Anh Tú, Trần Quới, Lê Thiên Vị và nay là những Mai Thanh Minh, Trương Á Minh, Trềnh A Sáng (cờ tướng)… Cờ vua Việt cũng lẫy lừng tên tuổi không kém với các nhà vô địch thế giới Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Nguyễn Anh Khôi, Nguyễn Lê Cẩm Hiền cùng nhiều kỳ thủ khác dày công gầy dựng tên tuổi ở đấu trường khu vực và châu lục.
Lê Quang Liêm
Tương lai của cờ vua Việt Nam đến từ ước mơ hôm nay
Hẳn ai cũng có một thời thơ ấu, tập tành những nước đi đầu tiên trên những bàn cờ vẽ vội bằng than, gạch non trên vỉa hè, bên hiên nhà và quân cờ gỗ cùng nét vẽ nghuệch ngoạc đáng yêu. Đó mới là chân giá trị của mỗi tài năng mà không có bất cứ quân cờ, bàn cờ đắt giá nào có thể đánh đổi được.