Thân thế, sự nghiệp của danh thủ Lê Đình Hoan (Hà Nội) - Kỳ thủ “Hoạ - Kỳ song tuyệt”

PGS. TS. Lưu Đức Hải
Uỷ viên BCH Liên đoàn Cờ Việt Nam - Chủ nhiệm CLB Cờ Hồ Gươm

Đế Thích là vị thần nổi tiếng trong thần thoại Ấn Độ, ông chính là thần “Indra” trong đạo Bà la môn được coi là Vua của các vị thần. Sách nhà Phật coi Đế Thích là Thiên đế trợ thủ Đức Phật Thích Ca sơ sinh. Tượng Đế Thích (Indra) trong nhiều chùa ở Việt Nam thường bố trí cùng tượng Đại Phạm Thiên (Brahma) đứng hai bên Tòa Cửu Long (tức Thích Ca sơ sinh có chín con rồng chầu) đặt ở ban thờ dưới cùng của Tòa Tam bảo. Tượng Đế Thích thường mặc áo bào, đội mũ hoàng đế. Đế Thích và Đại Phạm Thiên là hai vị thần thường xuyên hỗ trợ Đức Phật Thích Ca. Ở nước ta, Đế Thích được xem là vị thần cao cờ nhất, tục ngữ Việt Nam có câu: “Cờ cao Đế Thích chấp đôi xe”.

Vào thời Lê (1428-1527) khu vực Chùa Vua làng Thịnh Yên vốn là cung Thừa lương. Nơi đây có chùa Hưng Khánh thờ Phật, có hồ bán nguyệt, nước trong mát, cây cổ thụ xanh tươi, râm mát. Làng Thịnh Yên vốn có truyền thống chơi cờ Tướng từ lâu đời. Hàng năm hội cờ làng Thịnh Yên thu hút được nhiều danh cờ và bà con hâm mộ cờ Tướng về dự Hội Cờ. Trong số đó, có một ông Hoàng thời Lê là người theo đạo Lão và lại giỏi cờ, ông đã đứng ra vận động nhân dân góp công góp của xây dựng một quán (nơi thờ phụng của đạo Lão) Đế Thích (Ô 1) để thờ Vua cờ Đế Thích ngay cạnh chùa (nơi thờ phụng của đạo Phật) Hưng Khánh - khu vực chùa Vua hiện nay (Hình 1).

Ô 1: Quán Đế Thích - Nơi thờ Vua cờ Đế Thích Quán Đế Thích, còn gọi chùa Vua, nằm ở 17 phố Thịnh Yên, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng. Thực ra, chùa Vua là tên gọi chung cụm di tích hiện bao gồm chùa Hưng Khánh thờ Phật và điện Thiên Đế (tức Đế Thích quán xưa) thờ Vua cờ Đế Thích. Chính toà điện này là vết tích quán Đế Thích thuở xưa.
Sử tích chép lại, Đế Thích quán (gồm chùa Hưng Khánh và điện thờ Đế Thích) có từ đời Lý và được tôn tạo vào đời Lê. Tương truyền có một ông hoàng đời Lê (1428-1527) theo đạo Lão, lại cực kỳ mê cờ Tướng, vì hâm mộ Đế Thích là bậc cao cờ, bèn tạo lập quán Đế Thích trên vùng đất trước đó từng dựng cung Thừa Lương, ở làng Thịnh Yên, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương. Từ đó đến nay chùa trở thành đấu trường cờ Tướng danh tiếng bậc nhất Thăng Long.
Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền, chùa Vua tưng bừng mở hội thi đấu cờ Tướng từ mùng 6 đến mùng 9 tháng giêng âm lịch, để mừng ngày Đế Thích đản sinh. Cổ lệ quy định: kỳ thủ nào đoạt chức vô địch 3 năm liền thì được vinh hạnh khắc tên vào bia đá đặt sẵn ở bi đình.

Ở nước ta từ thời Lê (thế kỷ 15) về sau chỉ còn tồn tại một số đạo quán (cơ sở của đạo Lão) mà không còn truyền đạo Lão nữa, vì thế chúng ta thấy rằng quán không phát triển bằng chùa (cơ sở của đạo Phật) như ngày nay.

Quan De Thich - Chua VuaHình 1: Quán Đế Thích và chùa Vua Hà Nội (ảnh trái) và Tượng Vua cờ Đế Thích trong quán Đế Thích (Ảnh tác giả sưu tầm)

Chùa Vua còn là một trong những cơ sở cách mạng, nơi đi về hoạt động từ 1926 đến 1930 của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Bí thư xứ ủy Trung Kỳ, chùa là nơi hội họp, cất giữ tài liệu, vũ khí, tập luyện quân sự của Việt Minh thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám. Nơi liên lạc và là trụ sở của Tiểu khu 7, Liên khu II trong những ngày đầu kháng chiến. Sư tổ Thích Thanh Điều (Hoàng Đình Điều) là người yêu nước đã tích cực bảo vệ giúp đỡ cách mạng, được Chính phủ truy tặng bằng “Có công với nước” năm 2001. Tối 4/6/1956, chùa Vua đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thắp hương trước khi đến thăm lớp bình dân học vụ.

Dân làng Thịnh Yên có truyền thống chơi cờ Tướng từ thế kỷ 16, đây là nơi rèn luyện và đào tạo các danh kỳ của Việt Nam. Những nhà khảo trịch cờ Tướng qua nhiều thế hệ ở chùa Vua - quán Đế Thích như các ông Lê Đình Đồng, Lê Đình Mười, Lê Đình Mai rồi tiếp đến là Lê Đình Bội, Lê Đình Hoan là Chủ nhiệm và Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ cờ Tướng chùa Vua từ năm 1991 đến 2011 (Hình 2).

danh thu co tuong Ha Noi
Hình 2: Ông Lê Đình Mai (áo the đen) và ông Trịnh Văn Mẫn (áo the trắng), công bố kết quả thi đấu tại Giải cờ Tướng lễ hội chùa Vua 1953, quán quân là Nguyễn Thi Hùng (đang chắp tay) (ảnh trái); Ông Lê Đình Bội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cờ chùa Vua (ảnh giữa); Ông Lê Đình Hoan, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ cờ Tướng chùa Vua 1991 - 2011, vô địch cờ Tướng lễ hội chùa Vua 1959 (ảnh giữa) (Ảnh: Tác giả sưu tầm).

Hàng năm vào mồng 6 đến mồng 9 tháng Giêng âm lịch, ở chùa Vua mở lễ hội truyền thống lễ Phật, lễ Thần và thi đánh cờ Tướng (Hình 3). Ngày đầu khảo trịch (đấu loại), ai lọt “nhất thắng”, “nhị thắng” thì vào được “tam thắng” (chung kết). Ai nhất chung kết là người phá giải cờ.

Người có công lưu trữ và bảo tồn nhiều hình ảnh lịch sử của các Giải cờ Tướng lễ hội chùa Vua và lễ hội chùa Vua là ông Lê Đình Hoan, vô địch cờ Tướng lễ hội chùa Vua 1959, cùng ban tổ chức duy trì các hoạt động văn hóa trong những lễ hội Giải cờ Tướng truyền thống chùa Vua mỗi dịp xuân về. Kỳ thủ Lê Đình Hoan còn là một nghệ nhân tài hoa có nhiều công lao bảo tồn và phát huy giá trị sơn mài truyền thống của dân tộc (Hình 4).

chuavua h4Hình 3: Lễ hội chùa Vua - quán Đế Thích, làng Thịnh Yên, Hà Nội, ngày 6/1 năm Canh Tý, 1900 (Ảnh: Tác giả sưu tầm).

Do hoàn cảnh lịch sử, Giải cờ Tướng lễ hội chùa Vua đã bị gián đoạn hơn 30 năm, mãi đến năm 1992 mới được tổ chức trở lại nhân dịp chùa Vua - quán Đế Thích được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia, trong đó có công lao đóng góp rất lớn của ông Lê Đình Hoan và dòng họ Lê làng Thịnh Yên xưa (tức phường Phố Huế ngày nay). Hội Cờ chùa Vua hàng năm còn là nơi đọ tài cao thấp của các danh thủ cờ trong cả nước và Hà Nội như Đặng Đình Yến, Lục Văn Chi, Nguyễn Thi Hùng, Lê Uy Vệ, Lê Đình Lượng, Nguyễn Tấn Thọ, Nguyễn Đắc Đinh, Lê Đình Hoan, Phạm Văn Sửu, Ngô Văn Hoàn, Trương Trọng Bảo, Hứa Tiến, Nguyễn Ngọc Phan An, Đinh Trường Sơn… rồi đến Đào Thành Huy, Nguyễn Tiến Cường, Đào Cao Khoa, Nguyễn Anh Quân, Nguyễn Vũ Quân, Bùi Khắc Hưởng, Nguyễn Thành Bảo, Lại Việt Trường, Phạm Quốc Hương, Bùi Dương Trân, Lưu Khánh Thịnh, Đặng Hùng Việt, Trần Tuấn Ngọc, Hà Văn Tiến, Phùng Quang Điệp…

Danh thu Le Dinh HoanHình 4: Ở tuổi ngoài 80, ông vẫn giữ được niềm đam mê với những tác phẩm nghệ thuật và tiếp tục đào tạo thế hệ trẻ. Ông đã từng vinh dự nhiều lần đoạt giải “Bàn tay vàng”. (Ảnh: Tác giả sưu tầm).

Danh thu co tuong Ha NoiHình 5: Chụp tại lễ hội chùa Vua quán Đế Thích (1996); từ trái qua phải: Ông Ngô Lình Ngọc - Nhà nghiên cứu cờ Tướng; Ông Lê Uy Vệ - Phó Chủ tịch hội Cờ Tướng Việt Nam; Vô địch cờ Tướng chùa Vua 1939-1942; Ông Lê Đình Hoan: Vô địch cờ Tướng chùa Vua 1959; Ông Nguyễn Tấn Thọ: vô địch cờ Tướng chùa Vua 1954-1957, Kỳ Vương miền Bắc; Ông Phát: Vô địch cờ Tướng Bộ Văn hoá 1949 (Ảnh: Tác giả sưu tầm).

Ngày 21/1/1992, tại Quyết định số 97/VHQĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa (Trần Hoàn), chùa Vua, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia. Giai đoạn 1991-2011 Ban Quản lý di tích chùa Vua đã giao cho các ông Nguyễn Tấn Thọ, Lê Đình Bội và Lê Đình Hoan quản lý Câu lạc bộ Cờ Tướng chùa Vua, phối hợp với Ủy ban nhân dân phường Phố Huế tổ chức các Giải cờ Tướng lễ hội chùa Vua hàng năm. Từ năm 2012 Ủy ban nhân dân phường Phố Huế đã phối hợp với Trung tâm TDTT thành phố Hà Nội tổ chức các giải này.

Bảng 1: Các nhà vô địch cờ Tướng lễ hội chùa Vua - quán Đế Thích giai đoạn 1901-1961

Năm Tên nhà vô địch Tên á quân
1935 Lê Đình Lượng Đặng Đình Yến
1936 Đặng Đình Yến  
1937 Lục Văn Chi  
1938 Nguyễn Trọng Nhạ  
1939 Lê Uy Vệ  
1940 Lê Uy Vệ  
1941 Lê Uy Vệ  
1943 Nguyễn Văn Học  
1952 Ngô Văn Hoàn Lục Văn Chi
1953 Nguyễn Thi Hùng  
1954 Nguyễn Tấn Thọ  
1955 Nguyễn Tấn Thọ  
1956 Nguyễn Tấn Thọ  
1957 Nguyễn Tấn Thọ Đào Tuấn Bình
1958 Phạm Văn Sửu Nguyễn Tấn Thọ
1959 Lê Đình Hoan Ông Vượng
1960 Hứa Tiến Trịnh Thái Chi
1961 Nguyễn Văn Phồn  

Trong số những nhà vô địch cờ Tướng lễ hội chùa Vua - quán Đế Thích xưa ta thấy có Đặng Đình Yến (một trong 3 kỳ thủ được mệnh danh là Tam kiệt Hà Thành), Lục Văn Chi, Lê Uy Vệ, Nguyễn Thi Hùng (3 trong số 4 kỳ thủ được mệnh danh là Tứ hùng Bắc Kỳ), Nguyễn Tấn Thọ (được mệnh danh là Kỳ Vương đất Bắc), Lê Đình Hoan - Nhà hoạ sỹ tài ba với “Đôi bàn tay vàng”, song kỳ nghệ không thua kém so với các bậc đàn anh trước đó. Với những đóng góp đặc biệt cho quá trình bảo tồn, phát huy giá trị DTLS chùa Vua - quán Đế Thích, làng cờ Tướng Việt Nam ghi nhận những đóng góp không mệt mỏi của ông như một nghệ sỹ “Hoạ - Kỳ song tuyệt” của thời kỳ nủa cuối thế kỷ 20 - nửa đầu thế kỷ 21./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. PGS. TS. Lưu Đức Hải – “Cờ Tướng Việt Nam - Quá trình phát triển, danh kỳ và các nhà vô địch” - NXB Hồng Đức, 2015.