PGS.TS Lưu Đức Hải
Trương Đăng Quế sinh ngày 1/11 năm Quý Sửu (1793) tại làng Mỹ Khê, huyện Bình Sơn (nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh), tỉnh Quảng Ngãi. Tiên tổ của ông là người huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Thuở nhỏ, Trương Đăng Quế có tiếng văn hay. Năm 1801, khi ông tám tuổi thì cha mất. Song nhờ chăm học, năm Gia Long thứ 18 (Kỷ Mão, 1819), ông đỗ Hương Tiến (tức Cử nhân, đây là học vị cao nhất lúc bấy giờ). Theo sử Nguyễn thì ông chính là người “đầu tiên” ở Quảng Ngãi đạt được học vị này. Trương Đăng Quế là danh thần trải qua 4 triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức trong lịch sử Việt Nam. Trong 43 năm làm quan, có 20 năm ông giữ trọng trách lớn. Ngoài ra, ông còn là nhà thơ, nhà sử học, trạng cờ, là thầy học của vua Thiệu Trị và một số quý tộc nổi tiếng khác.
Vua quan ở các triều đại phong kiến thời trước tinh thông trong việc trị nước, bình thiên hạ, vừa giỏi trong các thú tao nhã cầm – kỳ – thi – họa. Trương Đăng Quế là một người như vậy, ông phò tá 4 đời vua Nguyễn, song ông còn giỏi cờ Tướng, vì thế đã được lựa chọn giao đấu cờ Tướng với sứ thần nhà Thanh (Trung Hoa), một lần vào năm 1842 và một lần vào năm 1849.
Thiệu Trị năm đầu (1841), nhà vua chuẩn cho Trương Đăng Quế làm Văn Minh điện Đại học sĩ, gia hàm Thái bảo, quản lý bộ Binh, kiêm Cơ mật viện, kiêm sung chức Tổng tài ở Quốc sử quán. Thiệu Trị năm thứ hai (1842) tại hành cung Thăng Long (Hà Nội) đã diễn ra trận giao đấu cờ Tướng giữa Trương Đăng Quế và Bảo Thanh, sứ thần nhà Thanh. Ván cờ đó đã trở thành ván cờ giao đấu quốc tế thứ hai ở Thăng Long (Hà Nội), sau ván cờ giữa vua Lê Hiến Tông và sứ thần nhà Minh năm 1499, mà danh kỳ ngày ấy là một vị quan triều Nguyễn, quê ở miền Trung Việt Nam.
Huế từng là kinh đô của đất nước thời kỳ nhà Nguyễn suốt 143 năm (1802-1945). Xưa kia tại Cố đô Huế, trong các cung vua Nguyễn có tổ chức đánh cờ người trên sân với cờ quạt, long phướn rực rỡ. Đến năm Tự Đức tự Đức thứ 2 (1849) tại Kinh đô Huế lại diễn ra trận giao đấu quốc tế về cờ Tướng giữa Trương Đăng Quế, lúc ấy là Kinh diên giảng quan của viện Tập hiền, với Án sát tỉnh Quảng Tây, Trung Hoa, là Lao Sùng Quang, lúc ấy đang được nhà Thanh đến phong vương cho vua Tự Đức (1848-1883) tại kinh đô Huế. Tại trận giao đấu cờ Tướng quốc tế ấy danh kỳ Trương Đăng Quế đã thắng sứ thần nhà Thanh (Trung Hoa) Lao Sùng Quang một cách oanh liệt. Ván cờ đó đã trở thành ván cờ Tướng giao đấu quốc tế đầu tiên ở Trung kỳ mà làng cờ còn lưu giữ được đến ngày nay.
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 ở miền Trung cũng đã xuất hiện nhiều danh thủ cờ Tướng, trong số đó phải kể tới: Cả Soạn (Trần Trinh Soạn) (Thừa Thiên Huế), Vương Nghệ, Hồ Phi Thống, Hoàng Quảng, Hoàng Mười, Trương Quang Phùng, Cao Thanh... Trong đó danh kỳ Trần Trinh Soạn (tức Cả Soạn), là một lương y, danh cầm và danh kỳ của làng cờ Tướng Kinh đô Phú Xuân, Huế hồi đầu thế kỷ 20. Ông Soạn còn là chú ruột của Trần Nguyên (tức Trần Nguyên Mô), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Cờ Việt Nam từ 1980. Danh kỳ Trương Quang Phùng sinh năm 1985, ở làn Mỹ Khê (nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, đỗ cử nhân khoa Tân Mão (1891), cùng quê với Trương Đăng Quế.
Thập niên 1930 của thế kỷ 20, ở Kinh đô Huế cũng đã diễn ra các giải cờ Tướng hội chợ Huế 1933 và 1936. Ở Giải cờ Tướng hội chợ Huế 1933, danh kỳ Trương Quang Luyện đã đoạt giải quán quân. Ba năm sau, Ở Giải cờ Tướng hội chợ Huế 1936, một lần nữa danh kỳ Trương Quang Luyện (35 tuổi) đã thắng danh kỳ Hường Bồng (53 tuổi) 3 ván liền và giành giải quán quân còn danh kỳ Hường Bồng đoạt giải á quân. Thành viên của Ban tổ chức Giải cờ Tướng hội chợ Huế năm ấy (1936), y sỹ Lê Đình Thám, sau này (là bác sỹ) đã trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội cờ Tướng Việt Nam, được thành lập năm 1965.
Thành phố Huế còn là quê hương của ông Trần Nguyên (tức Trần Nguyên Mô), một trong những người đầu tiên có công xây dựng Hội Cờ Việt Nam, mở rộng phạm vi hoạt động từ Hội cờ Tướng Việt Nam (1965) chuyển thành Hội cờ Việt Nam (1980, gồm cả cờ Tướng và cờ Vua), và sau này đổi thành Liên đoàn Cờ Việt Nam. Ông Trần Nguyên là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Liên đoàn Cờ Việt Nam từ năm 1980 và là một trong những người đầu tiên sáng lập ra Tạp chí Người chơi cờ (từ 1995).
Thành phố Huế cũng là quê hương của ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ Thừa Thiên Huế, người có công phát triển phong trào cờ của Việt Nam nói chung và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.
Trải qua những biến chuyển thăng trầm của xã hội, thành phố Huế đã có những kỳ thủ nổi tiếng vào thập kỷ 60 đến 70 của thế kỷ 20 như cụ Võ Truy (thầy dạy cờ của Trần Trinh Soạn khi còn nhỏ), bác Vịnh, anh Phát, chị Liên và nhiều cao thủ khác. Bên cạnh các danh kỳ cố đô Huế, mỗi một tỉnh lại có được một số danh kỳ. Tập hợp lại, các tỉnh, thành miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận... và gần đây là Nguyễn Minh Trưng, Trần Văn Minh (Bình Định); Nguyễn Thọ Phú tức Xí, Lương Hải Đường (Khánh Hòa); Phạm Hiền Khanh (Phan Thiết, Bình Thuận)... Trình độ của các kỳ thủ thời đó qua quá trình nghiên cứu đã có nhiều sáng tạo, góp phần quan trọng trong lịch sử phát triển cờ tướng Thừa Thiên Huế và miền Trung nói riêng của Việt Nam nói chung.