“Vịt Ú cờ tướng” là ai?

TTCT - “Triệu liền chống trường kiếm, sử một chiêu “vạn nhạc triều tôn”, mã tám tấn bảy… Lữ Khâm thấy chiêu tấn chốt tinh xảo của Triệu, muốn xem thử còn biến hóa cổ quái nào nữa không nên không vội tấn công, chỉ cho chốt bảy tiến một…”.

Nhiều người hâm mộ cờ tướng ở Việt Nam không xa lạ gì lối bình luận mang phong cách kiếm hiệp, bằng chất giọng Phú Yên đặc sệt, vô cùng dí dỏm đó của một YouTuber cờ tướng nổi tiếng mang tên “Vịt Ú”.

Chân nhân lộ tướng

Chân nhân thường không lộ tướng, kênh YouTube “Vịt Ú cờ tướng” có đến hơn 250.000 người theo dõi, nhưng rất ít người biết “Vịt Ú” ngoài đời là ai. Trong hàng trăm video đăng tải trên kênh, tất cả đều chỉ quay bàn cờ kèm giọng bình luận của anh, chứ không có video nào mà chủ kênh ra mặt.

Nhưng cách đây hai tuần - cũng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần - bình luận viên ẩn danh của làng cờ bỗng… bại lộ hành tung một cách bất đắc dĩ, khi anh ruột của anh - giáo sư Phan Thành Nam - được Hội đồng Toán học châu Âu trao tặng giải thưởng danh giá EMS.

Một giáo sư trong ngành toán ở VN chỉ cho tôi bức ảnh gia đình giáo sư Nam và kể: “Em trai Phan Thành Nam cũng là tiến sĩ toán, nhưng cậu chàng có lẽ nổi tiếng hơn với môn cờ tướng…”.

“Vịt Ú cờ tướng” là ai?

Phan Thành Việt nghiên cứu ván cờ nổi tiếng “pháo mã xưng hùng”
giữa Hồ Vinh Hoa và Triệu Quốc Vinh đánh năm 1982. Ảnh: NVCC

Nhân vật đó là Phan Thành Việt - một giảng viên trẻ của khoa toán - thống kê ở Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM. Thành tích học tập của Việt chẳng kém gì giáo sư Nam, dù anh khiêm tốn thừa nhận mình “không giàu đam mê với toán học” bằng anh trai.

Tốt nghiệp khoa toán - tin Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, Việt nhận học bổng sang Pháp và sớm hoàn thành chương trình tiến sĩ chỉ trong 3 năm ở Đại học INSA Rennes. Nhưng không như anh - người đã ở lại châu Âu và hiện giảng dạy, nghiên cứu ở đại học hàng đầu của Đức Ludwig Maximilian (Munich), Việt chọn con đường trở về VN. Một phần vì gia đình, và một phần - như anh dí dỏm thừa nhận - vì mình còn có nhiều đam mê khác, khiến với anh, cuộc sống ở VN vui thú hơn ở Pháp. Cờ tướng là một lý do quan trọng.

“Nếu là cho mục đích nghiên cứu, ở lại châu Âu chắc chắn sẽ tốt hơn. Vì ở đó có một cộng đồng những người đam mê toán để chúng tôi có thể trao đổi cùng nhau mỗi ngày. Nhưng tính tôi cũng ham vui, nên những ngày ở Pháp tôi thấy mình như một người tu hành vậy, sáng lên trường nhận bài để tối mang về nhà cặm cụi giải, ngày nào cũng như ngày nấy” - Phan Thành Việt kể.

Đó cũng là lúc “Vịt Ú cờ tướng” ra đời, 7 năm trước, lúc đầu đơn giản chỉ để giải khuây.

“Thời điểm đó tôi có lẽ là người tiên phong trong việc dạy cờ, bình cờ trên YouTube. Thật ra trình độ của mình cũng làng nhàng thôi, tôi chủ yếu là đăng tải các video dạy cách khai cuộc cho những người mới tập chơi. Vậy mà lại được nhiều người thích và ủng hộ. Dần dà tôi bày thêm việc bình luận những thế cờ giang hồ và những ván cờ nổi tiếng. Page ngày càng đông người theo dõi. Bây giờ thì tôi đang tính đến việc mở rộng trang cờ tướng của mình” - Thành Việt kể.

Học toán cũng như…luyện võ

Sẵn tính đam mê truyện Kim Dung, thuộc nằm lòng từng chiêu thức, từng câu chữ xưng hô theo lối giang hồ của tiểu thuyết gia nổi tiếng, Thành Việt mang luôn phong cách kiếm hiệp vào những ván cờ. Và anh nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt.

Cờ tướng mang lại niềm vui lẫn thu nhập, nhưng toán học vẫn là con đường chính của Thành Việt lúc này. “Ba tôi là một nhà báo nên từ nhỏ tôi cũng thích văn chương. Rồi đi theo đường toán chủ yếu vì hâm mộ anh trai Thành Nam, dần dà cũng thành niềm đam mê. Đôi lúc cũng bị thử thách bởi cuộc sống cơm áo gạo tiền, nhưng cho đến giờ tôi may mắn vẫn giữ được thu nhập ổn định nhờ nghiên cứu và giảng dạy. Làm nghiên cứu ở VN rất khó, vì sẽ dễ bị cuốn vào những công việc kiếm tiền. Vì vậy mà những ngành khoa học cơ bản bây giờ rất kén người học”.

Thành Việt cũng lý giải quá trình học toán của mình dưới góc độ… kiếm hiệp. “Tôi thấy cách dạy toán phổ thông ở nhiều trường khá nhàm chán. Chủ yếu là giải các bài toán mang tính đánh đố, giải càng nhiều càng tốt. Cũng giống như trong truyện kiếm hiệp, học võ mà chỉ học chiêu số, không có nội lực vậy.

Vào đến đại học, thầy Dương Minh Đức - một giáo sư nổi tiếng trong ngành giải tích - là người đã “phế” toàn bộ mấy thứ võ công tạp nhạp của chúng tôi, và rèn tôi vào con đường tư duy toán thực sự. Nghe cũng gần tương tự Lệnh Hồ Xung khi bắt đầu học Độc Cô Cửu Kiếm nhỉ?” - Việt cười nói.

Cờ không dài, toán không khô

Khi chúng tôi thắc mắc kỳ nghệ của Việt đến đâu thì anh khiêm tốn thừa nhận “chỉ đánh cờ để giải trí”. “Tôi thường đi đánh ở một CLB cờ ở quận 3, ở đó cũng có nhiều cao thủ. Cũng từng thắng được một kỳ thủ vô địch nữ quốc gia, còn những kỳ thủ nam hàng đầu VN thì chưa có cơ hội so tài” - Việt nói.

Nhưng bản thân công việc “bình luận viên” của Việt cũng đòi hỏi niềm đam mê và sự đầu tư chẳng kém gì một kỳ thủ chuyên nghiệp. Nhiều năm trời, chàng tiến sĩ toán dành rất nhiều thời gian để đọc tài liệu, những bộ kỳ thư ghi chép các câu chuyện đặc biệt trong làng cờ. Từ đó tìm chất liệu cho những ván cờ mà anh bình luận.

“Cờ tướng là một thế giới rộng lớn chẳng khác gì thế giới võ hiệp của Kim Dung. Có những nhân vật, những câu chuyện cực kỳ thú vị mà tôi tin nếu được chuyển thể thành tiểu thuyết hay phim ảnh sẽ có sức hút rất lớn. Là một người bình luận, tôi không thể chỉ liệt kê những nước đi rồi “chém gió” lung tung vào trận cờ. Bản thân mình phải hiểu được phong cách của các kỳ thủ, những câu chuyện cuộc đời của họ, từng biệt danh của họ thì mới bình luận thật hay, thật hợp lý được” - Thành Việt nói.

Việt cho biết hai kỳ thủ mà anh hâm mộ nhất đều của Trung Quốc, Hồ Vinh Hoa và Dương Quan Lân, và chuyện đời hai người đều vô cùng hấp dẫn. “Dương Quan Lân là một kỳ thủ lập thân bằng việc đánh độ. Ông lập kỳ đài rồi thách đấu với người khác để kiếm tiền, nổi tiếng với việc đánh 800 ván liên tiếp bất bại. Dương cũng là người mở ra trường phái “đi cờ chắc chắn, từng bước tiến lên”.

Trung Quốc những năm thập niên 1950 nổi tiếng có hai cao thủ “Nam Dương, Bắc Vương”, Vương chính là Vương Gia Lương, người có trường phái tấn công dũng mãnh trái ngược với Dương Quan Lân. Nghe khá giống Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung phải không? Còn Hồ Vinh Hoa là kỳ thủ thế hệ sau nhưng dung hòa được cả hai trường phái này, tôi thấy ông có phong thái như Trương Tam Phong vậy” - Việt nói.

Với lối bình luận lãng tử, tưng tửng, nhưng ẩn tàng nhiều kiến thức sâu xa của làng cờ, dễ hiểu khi “Vịt Ú” ngày càng thu hút sự quan tâm đặc biệt từ những người đam mê cờ tướng. Theo dõi những trận cờ giang hồ với giọng bình luận kiếm hiệp ấy, người ta mới thấy một cuộc cờ đâu có dài lê thê, và toán học cũng đâu khô cứng nữa!

HUY ĐĂNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ cuối tuần

Kênh Youtube của Vịt Ú Cờ Tướng https://www.youtube.com/user/ptviet89