PGS. TS. Lưu Đức Hải
Uỷ viên BCH Liên đoàn Cờ Việt Nam - Chủ nhiệm CLB Cờ Hồ Gươm
Danh thủ Lục Văn Chi sinh năm 1907, song làng cờ Tướng quen gọi là Lục Chi (tức Chi Văn Điển), quê quán ở thị trấn Văn Điển, tỉnh Hà Đông (sau là tỉnh Hà Tây và nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Hà Đông là một tỉnh cũ của Việt Nam. Tên gọi tỉnh Hà Đông thay thế cho tên gọi cũ là tỉnh Cầu Đơ vào ngày 6/12/1904. Tỉnh Cầu Đơ nguyên là tỉnh Hà Nội, được đổi tên sau khi cắt phần tỉnh thành Hà Nội cho Pháp làm nhượng địa và tỉnh lỵ chuyển về Cầu Đơ. Tỉnh Hà Đông gồm 4 phủ: Hoài Đức (có thêm huyện Đan Phượng của tỉnh Sơn Tây nhập vào), Mỹ Đức, Thường Tín và Ứng Hòa. Tỉnh lỵ tỉnh Hà Đông là thị xã Hà Đông, mà tên gọi cũ là Cầu Đơ. Năm 1915, Khu vực ngoại thành Hà Nội của thành phố Hà Nội đổi thành huyện Hoàn Long trực thuộc tỉnh Hà Đông.
Thị trấn Văn Điển, một địa điểm cách trung tâm thủ đô Hà Nội 10km về phía Nam, trước mặt có dòng sông Kim Ngưu nước mát chảy qua, có ngôi đình lớn, giếng nước và nhiều cây muỗm lâu năm. Từ đầu thế kỷ 20 có đường quốc lộ 1A và đường xe lửa Bắc Nam đi qua, có trường học phổ thông và nhà Hộ sinh. Đầu phố là chợ 5 ngày họp một phiên, người dân trong vùng đến mua, bán đủ các mặt hàng cần thiết. Cuối phố là ga xe lửa khách qua lại đông vui thuận tiện, phố dài 1km có hàng trăm cây bàng lớn, mùa hè hoa quả thơm, những ngày nóng dữ, nhưng phố vẫn mát vì lá bàng to và dày. Đó là quê hương và cũng là nơi danh thủ Lục Văn Chi được sinh ra và lớn lên thời niên thiếu.
Sau này danh thủ Lục Chi ra sinh sống ở thị xã Sơn Tây (tỉnh Sơn Tây) và sau đó ra Hà Nội, ngụ tại số nhà 24 phố Tô Hiến Thành. Cuối đời ông về sinh sống tại số nhà 202 và sau đó chuyển đến 211A phố Huế). Ngôi nhà của ông vừa là hiệu cắt tóc, vừa là câu lạc bộ cờ Tướng ở khu vực phường Phố Huế thời kỳ 1957-1970.
Tháng 4/1938, tại Giải quán quân cờ Tướng Bắc kỳ tổ chức ở đình Thái Cam (Hà Nội) ông đã trở thành nhà vô địch cờ Tướng Bắc kỳ. Giải khai mạc sáng ngày chủ nhật 2/4/1938 và bế mạc vào tối ngày thứ sáu 21/4/1938. Thời gian thi đấu giải là từ ngày 3 đến 18/4/1938. Kết quả là danh thủ Lục Chi (Hà Đông) đã đoạt giải quán quân, danh thủ Nguyễn Trọng Nhạ (Hà Nội) đoạt ngôi á quân.
Trước khi Lục Chi trở thành vô địch Bắc kỳ 1938, tam kiệt Hà thành Yến - Du - Lịch (tức Đặng Đình Yến - Đỗ Văn Du - Đỗ Tràng Lịch) đã từng làm mưa làm gió trong làng cờ Tướng Bắc kỳ trong suốt giai đoạn 1920-1935. Vì thế sự kiện Lục Chi đoạt giải quán quân 1938 đã đánh dấu sự suy giảm của tam kiệt bởi ở giải này Đặng Đình Yến chỉ đạt tứ thắng (xếp thứ 5-8), còn Đỗ Văn Du và Đỗ Tràng Lịch chỉ đạt tam thắng. Kể từ đó Lục Chi được xếp vào hàng tứ hùng Chi - Bột - Hùng - Vệ (tức Lục Văn Chi - Chu Văn Bột - Nguyễn Thi Hùng - Lê Uy Vệ) ở giai đoạn sau này.
Vào năm 1951 ông còn đoạt ngôi á quân (giải nhì) Giải cờ Tướng chợ phiên được tổ chức tại khu vực trụ sở Võ Sĩ đoàn xưa, số 8 phố Vua Lê, nay là trụ sở Bảo Việt, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Năm đó danh thủ Đặng Đình Yến đoạt ngôi quán quân.
Trong ảnh là Lục San (bên phải), Lục Thị Huy (ở giữa) con trai và con gái danh thủ Lục Chi và Cúp á quân) (Ảnh: Lưu Đức Anh Quân, 7/2017).
Những thành tích điển hình của Lục Văn Chi ở các giải cờ Tướng giai đoạn 1938-1958:
Năm | Tên giải cờ | Kết quả | Nơi tổ chức giải |
1937 | Lễ hội chùa Vua | Quán quân | Chùa Vua, số 17 phố Thịnh Yên, Hà Nội |
4/1938 | Vô địch Bắc kỳ | Quán quân | Đình Thái Cam, số 44 phố Hàng Vải, Hà Nội |
1951 | Vô địch chợ phiên |
Á quân (Quán quân là Đặng Đình Yến) | Trụ sở Võ Sĩ đoàn, số 8 phố Vua Lê, Hà Nội |
1952 | Lễ hội chùa Vua | Á quân (Quán quân là Ngô Văn Hoàn) | Chùa Vua, số 17 phố Thịnh Yên, Hà Nội |
1957 | Lễ hội chùa Vua | Giải ba (Nhất: Nguyễn Tấn Thọ; Nhì: Nguyễn Thi Hùng) | Chùa Vua, số 17 phố Thịnh Yên, Hà Nội |
1957 | Lễ hội đền Hai Bà | Giải ba (Nhất: Nguyễn Tấn Thọ; Nhì: Nguyễn Thi Hùng) | Đền Hai Bà, số 12 phố Hương Viên, Hà Nội |
Sau đây là một ván cờ của danh thủ Lục Văn Chi, một trong tứ hùng Bắc kỳ ở nửa đầu thế kỷ 20.
Nguyễn Thi Hùng (tiên hòa) - Lục Văn Chi (Hà Nội, 3/1957)
1. P2-5 M8.7; 2. M2.3 X9-8; 3. X1-2 P8.2; 4. M8.7 P2-5; 5. B7.1 M2.3; 6. B3.1 X1-2; 7. X9-8 X2.4; 8. P8-9 X2-4; 9. X8.6 B7.1; 10. X8-7 M7/5; 11. M3.4 X4-6; 12. B3.1 X6-7; 13. M4.5 X7/1; 14. M5/6 X7-3; 15. M6.7 M5.7; 16. M7.5 T7.5; 17. M7.6 S6.5; 18. X2.2 X8-6; 19. X2-4 P8-620. B5.1 P6.1; 21. B5.1 P6-3; 22. B5-4 M3.2; 23. X4-3 M2.4; 24. X3.5 M4.5; 25. T3.5 P3-5; 26. S6.5 X6.4; (hòa)
Đây là ván cờ giữa 2 danh thủ trong số 4 người từng được mệnh danh là tứ hùng Bắc kỳ ở nửa đầu của thế kỷ 20 là Chi - Bột - Hùng - Vệ, được chơi ở trận chung kết Giải cờ Tướng hội đền Hai Bà, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội năm 1957 (Đền Hai Bà chỉ cách chùa Vua khoảng 500m). Vòng chung kết còn lại 3 cao thủ thi đấu vòng tròn: ván thứ nhất Thi Hùng hòa Nguyễn Tấn Thọ (sáng 9/3/1957), đây là ván thứ hai Thi Hùng gặp Lục Chi diễn ra vào chiều 9/3/1957. Thi Hùng đi tiên sử dụng Đương đầu Pháo, còn Lục Chi đi hậu sử dụng thế trận nghịch Pháo là một thế trận đối công quyết liệt.
Ngày 26/8/1992 danh thủ Lục Văn Chi đã vĩnh biệt làng cờ Tướng Việt Nam ở tuổi 86. Ông mất vào đúng năm 1992, là năm mà Giải vô địch cờ Tướng toàn quốc được tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam. Nhà vô địch của Giải cờ Tướng Bắc kỳ lần thứ hai (1938) đã ra đi sau khi đã có nhiều đóng góp với môn thể thao trí tuệ truyền thống của nước nhà./.