Thân thế, sự nghiệp của cố danh thủ Nguyễn Thi Hùng, một trong tứ hùng Bắc kỳ hồi đầu thế kỷ XX

Cố danh thủ Nguyễn Thi Hùng là một trong tứ hùng Bắc kỳ ở các thập niên 30-60 của thế kỷ trước, ông đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật cờ Tướng Việt Nam ở giữa thế kỷ 20.

 

PGS. TS. Lưu Đức Hải
Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ Tướng Việt Nam
UVBCH Liên đoàn Cờ Việt Nam

Nguyễn Thi Hùng sinh năm 1914, quê quán ở thôn Rộc, xã Tây Mỗ, tỉnh Hà Đông (sau thuộc tỉnh Hà Tây và nay thuộc quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội). Thời trẻ ông mở cửa hàng bán thuốc Bắc ở quê nhà (Hình 1). Xưa kia xã Đại Mỗ, tỉnh Hà Đông do dân cư gia tăng đông đúc nên được thành lập xã mới, tách một phần từ Đại Mỗ. Do xã mới nằm ở phía Tây của Đại Mỗ nên được gọi là Tây Mỗ. Họ Nguyễn ở Tây Mỗ có các nhánh họ Nguyễn Đăng, Nguyễn Hữu, Nguyễn Đình, Nguyễn Duy, Nguyễn Thi (Nguyễn Thi Hùng), Nguyễn Cầm (Nguyễn Cầm Đăng Khoa, HLV bộ môn cờ Tướng huyện Từ Liêm), Nguyễn Gia (Nguyễn Gia Ban, phụ trách CLB cờ Tướng lễ hội đền Am, là bố Nguyễn Thị Hồng Hạnh huy chương đồng cờ Tướng châu Á, 1999 tại Philippines)...

nguyen thi hung 2
Hình 1: Danh thủ Nguyễn Thi Hùng (1914-11/9/1969, Hà Nội), á quân cờ Tướng Bắc kỳ 1939, vô địch cờ Tướng liên tỉnh miền Bắc 1965 (ảnh trái); 
Nhà thờ họ Nguyễn Thi tại thôn Rộc, xã Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), quê hương của danh thủ Nguyễn Thi Hùng (ảnh phải)

nguyen thi hung 3
Hình 2: Danh thủ Nguyễn Thi Hùng đoạt Cúp á quân Giải vô địch cờ Tướng Bắc kỳ 1939 (ảnh trái)
và Nguyễn Thi Sơn, con trai danh thủ Nguyễn Thi Hùng với Cúp á quân (ảnh phải)

Như vậy có thể thấy rằng xã Tây Mỗ là một vùng đất cờ Tướng của Hà Đông xưa và Hà Nội nay. Nguyễn Thi Hùng còn có một người em họ (con ông chú ruột) tên là Nguyễn Tửu Chi đã từng giật giải cờ Tướng ở Hội chợ Hà Đông (4/1936), năm ấy Nguyễn Tửu Chi mới 13 tuổi (nhà vô địch cờ Tướng trẻ nhất Việt Nam ở thế kỷ 20).

Trong kháng chiến chống Pháp, vào năm 1947 ông tản cư lên Sơn Tây, Phú Thọ, Thái Nguyên, Nho Quan rồi sau đó về Hà Nội. Ngay khi hòa bình lập lại 1954, ông mở cửa hàng bán thuốc Bắc ở phố Trần Xuân Soạn, gần chợ Hôm (Hà Nội), lấy tên hiệu thuốc Bắc là Vọng Hạc. Để thể hiện sự quyết tâm, kiên nhẫn, vượt qua mọi khó khăn trong mỗi ván cờ, Nguyễn Thi Hùng đã có câu nói nổi tiếng mà làng cờ còn lưu truyền cho đến ngày nay: "Gặp núi tôi xẻ núi, gặp sông tôi bắc cầu".

Thành tích điển hình của Nguyễn Thi Hùng ở các giải cờ Tướng giai đoạn 1939-1965 là á quân Bắc kỳ năm 1939 (quán quân là Lê Uy Vệ) (Hình 2), vô địch liên tỉnh miền Bắc 1965 (Hình 3) và nhiều giải thưởng khác, được nêu ở Bảng 1.

nguyen thi hung 4
Hình 3: Danh thủ Nguyễn Thi Hùng đoạt giải vô địch cờ Tướng liên tỉnh miền Bắc 1965 (ảnh trái);
Quán quân cờ Tướng lễ hội chùa Vua 1953 (ảnh phải)

Bảng 1: Những thành tích điển hình của Nguyễn Thi Hùng ở các giải cờ Tướng giai đoạn 1939-1965
nguyen thi hung 7

Năm 1956 Thi Hùng về sống ở số nhà 63c phố Nam Đồng, rồi sau đó năm 1958 ông và gia đình lại chuyển sang sống ở số nhà 72 phố Nam Đồng (nay là 96 phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội) và ở đó cho đến cuối đời.

Sau đây là một ván cờ tiêu biểu của danh thủ Nguyễn Thi Hùng. Đây là ván cờ trong trận chung kết Giải vô địch cờ Tướng liên tỉnh miền Bắc 1965. Trong giai đoạn 1955-1975 có 3 lần tổ chức Giải vô địch cờ Tướng liên tỉnh miền Bắc vào các năm 1965, 1968 và 1969. Năm 1965 là lần đầu tiên tổ chức giải này. Bên đi tiên là Nguyễn Thi Hùng, á quân cờ Tướng Bắc kỳ 1939, cao thủ hàng đầu của nhóm Hàng Bột, bên đi hậu là Nguyễn Tấn Thọ, nhiều năm vô địch các giải cờ Tướng chợ phiên, Hà Nội, chùa Vua…, cao thủ hàng đầu của nhóm Ngũ Tốt. Đây là 2 kỳ phùng địch thủ trong suốt các thập niên 50-70 của thế kỷ 20. Thi Hùng sử dụng Pháo đầu còn Tấn Thọ sử dụng thế trận Bình phong Mã.

Nguyễn Thi Hùng (tiên thắng) - Nguyễn Tấn Thọ (Hà Nội, 1965)

1. P2-5 M8.7; 2. M2.3 X9.8; 3. X1-2 M2.3; 4. X2.6 P8-9; 5. X2.3 M7/8; 6. B3.1 B3.1; 7. M8.9 M8.7; 8. P8.4 T7.5; 9. P8-7 P2.5; 10. M3.4 X1-2; 11. X9-8 X2.3; 12. M4.6 X2-3; 13. M6.4 …;
Bên tiên thí Pháo để tấn công và sẽ bắt lại Pháo;

nguyen thi hung 5
13. … X3-2; 14. M4.3 Tg5.1; 15. M3/1 M3.4; 16. P5-2 …;
Bên tiên chuyển hướng tấn công;
16. … B3.1; 17. X8.1 M4.3; 18. P2.6 Tg5-4; 19. X8-4 X2-4; 20. S4.5 Tg4.1; 21. X4.1 M3.4; 22. X4.3 P2/4; 23. X4-7 P2-3; 24. X7/1 T3.1; 25. X7-8 P3/3; 26. X8.3 Tg4/1; 27. X8.1 Tg4.1; 28. M1.3 S6.5; 29. M3.5!;
(tiên thắng);
nguyen thi hung 6
Ngày 11/9/1969 nhà vô địch cờ Tướng liên tỉnh miền Bắc đầu tiên 1965 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã vĩnh biệt làng cờ Hà Nội ở tuổi 56. Trước khi đất nước thống nhất (1975) chỉ có ba lần tổ chức Giải vô địch cờ Tướng liên tỉnh miền Bắc vào các năm 1965, 1968 và 1969. Trước khi mất ông Thi Hùng chỉ kịp chứng kiến sự đăng quang của đồng nghiệp là danh thủ Nguyễn Tấn Thọ (Hà Nội, vô địch 1968), Phạm Văn Tuyển (Quảng Ninh, vô địch 1969) ở các Giải vô địch cờ Tướng liên tỉnh miền Bắc lần 2 (1968) và lần 3 (1969) mà không kịp chứng kiến ngày thống nhất đất nước, ngày đoàn tụ và hội ngộ của làng cờ Tướng hai miền Nam - Bắc (1975).