Lê Quang Liêm thi đấu không vì tiền
Lê Quang Liêm (cờ vua) hiện vẫn du học tại Mỹ. Nguồn thu chính của đại kiện tướng này là lương của TPHCM và tiền thưởng thi đấu. Thưởng của môn cờ vua trong giải quốc tế luôn rất cao và với khả năng của mình, Liêm đã từng giành được tiền tỷ giải thưởng. Đầu tháng 3 năm 2018, Quang Liêm vô địch Giải cờ vua quốc tế HD Bank và nhận thưởng 13.000 USD (gần 300 triệu đồng) và xét về thưởng cá nhân, chưa một môn nào ở Việt Nam có giá trị giải nhất cao như vậy. Còn nhớ trong năm 2015, Quang Liêm đã thi đấu giải cờ tỷ phú và xếp hạng nhì, nhận thưởng 50.000 USD (hơn 1 tỷ đồng).
Nhưng Siêu kỳ thủ Lê Quang Liêm chưa bao giờ đấu cờ vì tiền, nhất là khi anh sinh ra trong một gia đình có điều kiện ở Sài Gòn. Tuy nhiên, với tài năng và sự thăng tiến ngoạn mục về chuyên môn của mình, anh lại dễ dàng kiếm được những khoản tiền thưởng “khủng” nhờ việc tranh tài tại các giải đỉnh cao quốc tế hay đấu thuê cho các CLB nước ngoài.
Kể từ năm 2010, anh đã có tới 5 năm liên tiếp đều đặn nhận tiền tỷ. Trong đó, đỉnh cao như năm 2013 đại thắng, tiền thưởng của Liêm đã đạt mức 3 tỷ đồng. Thậm chí, tại giải cờ nhanh vô địch thế giới diễn ra trong đúng 4 ngày, chàng tuyển thủ này đã nhận tới 1,3 tỷ đồng cho một ngôi vô địch cùng vị trí thứ 4. Tính ra, chỉ trong đúng 5 năm, Liêm đã sở hữu trên 10 tỷ đồng, để gia nhập danh sách những tỷ phú hiếm hoi của làng thể thao Việt.
Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện kiếm tiền, như lời của chuyên gia Đặng Tất Thắng, Liêm lại quá nghiệp dư. Anh chưa từng tập trung toàn bộ cho nghiệp cờ, mà bị phân tán quá nhiều cho các mục tiêu khác, đặc biệt là chuyện học văn hóa. Trong những năm gần đây, khi trở thành sinh viên của Đại học Webster (Mỹ), kỳ thủ sinh năm 1991 dành 60 - 70% quỹ thời gian cho việc học tập, nghiên cứu. Mỗi năm, Liêm chỉ có thể thu xếp dự tranh 3 - 4 giải phù hợp. Bởi thế, không chỉ phong độ trồi sụt mà khoản tiền thưởng tụt xuống chỉ khoảng vài trăm triệu đồng. Trong khi đó, với đẳng cấp của một siêu kỳ thủ, Liêm là khách mời VIP của hàng loạt các giải hàng đầu thế giới, được rất nhiều CLB của Mỹ, Đức, Pháp, Trung Quốc săn đón. Chưa kể, niềm tự hào của cờ vua Việt Nam cũng không hề mặn mà với các dự án quảng cáo hay tài trợ.
Lê Quang Liêm là kỳ thủ chuyên nghiệp ở Việt Nam. Nhưng để trở thành một kỳ thủ chuyên nghiệp, vừa có cơ hội đi du lịch ở nhiều nước, vừa có tiền khoảng vài chục đến vài trăm triệu đồng bỏ túi mang về thật không dễ.
Bất cứ ai muốn giỏi về một lĩnh vực nào đó thì phần lớn cũng mất một khoảng thời gian khá dài. Theo như tiêu chuẩn được đưa ra bởi cường quốc cờ vua Xô Viết thập niên 80, muốn trở thành đại kiện tướng cờ vua (Elo trên 2500) thì bạn cần khoảng 10 năm và mỗi ngày dành ít nhất 6 tiếng đồng hồ cho nó.
Những thần đồng thế giới, nay đã thành danh như Magnus Carlsen, Sergey Karjakin, Wei Yi, Anish Giri đều đến với cờ vua trong độ tuổi 5, 6. Họ đều trở thành đại kiện tướng trước 15 tuổi, qua ngưỡng Elo 2600 trước 16 tuổi. Công thức thành công chung của họ là đều được định hướng từ gia đình, hỗ trợ từ các nhà tài trợ, trường học, lãnh đạo các cấp có liên quan bên cạnh tài năng thiên bẩm.
Cờ vua Việt Nam không thiếu những tài năng nhưng rồi phần lớn những tài năng ấy dần thui chột theo thời gian, trong khi ở các nước khác có nền cờ vua mạnh như Nga, Ấn Độ, Trung Quốc thì tài năng của họ như đâm chồi nảy lộc theo năm tháng.
Hãy nhìn về trường hợp Nguyễn Anh Khôi. Từng gây sốt với người hâm mộ cờ vua khi đoạt HCV U10, U12 thế giới nhưng năm nay 18 tuổi mới đạt được danh hiệu đại kiện tướng. Lá thăm may rủi bất ngờ đưa kỳ thủ trẻ Nguyễn Anh Khôi (Elo 2.484) đụng độ với thần tượng cũng là cờ thủ số 1 Việt Nam - Lê Quang Liêm (2.715) tại ván 8 giải cờ vua Sharjah 2019 đang diễn ra ở UAE. Nguyễn Anh Khôi tạo nên cú sốc khi lần đầu tiên đánh bại được đàn anh Quang Liêm ở sân chơi quốc tế và Anh Khôi chắc chắn đủ điều kiện giành chuẩn Đại kiện tướng. Phải chăng việc lấn cấn giữa trở thành bác sĩ hay trở thành một kỳ thủ chuyên nghiệp đã làm cho sức tiến của Khôi chậm lại.
Bán đất cho con đi thi đấu cờ vua
Hết lòng ủng hộ con chơi cờ vua nhưng gia đình Quang Liêm luôn coi việc học văn hóa mới là quan trọng nhất.
Nếu trông chờ vào tiền đầu tư của bộ môn cờ vua, Tổng cục Thể dục Thể thao, Quang Liêm không thể có được vị thế như ngày hôm nay. Bà Mỹ Lệ - mẹ Quang Liêm chia sẻ: “Tôi xin kể một câu chuyện mà gia đình không bao giờ quên. Khoảng năm 1998-1999, Quang Liêm đi Ấn Độ đánh giải nhưng gia đình không có tiền. Vợ chồng tôi quyết định bán mảnh đất mà gia đình dự định để xây nhà, lấy tiền chênh lệch cho Liêm gần 30 triệu làm kinh phí xuất ngoại. Mảnh đất ở Quận 2 đó sau này rất có giá nhưng gia đình không bao giờ hối tiếc vì quyết định đó”.
Sau mỗi giải đấu, Quang Liêm lại lao đầu vào học bù văn hóa để theo kịp chương trình. Nhìn cảnh Liêm ngày chỉ ngủ được bốn tiếng, bà Mỹ Lệ lại xót xa, nhưng bà chỉ khuyên Liêm có nên dừng đam mê với cờ vua hay không, chứ chưa một lần nói tới chuyện gác lại việc học.
Việc Quang Liêm vào đại học và sang Mỹ du học cũng là một câu chuyện dài. Anh được tuyển thẳng vào ĐH Thể dục Thể thao nhưng muốn theo học tài chính nên thi vào ĐH TPHCM sau đó bảo lưu kết quả. Ngay sau đó, anh nhận được học bổng từ một trường đại học uy tín tại Texas nhưng Liêm từ chối.
Dù học bổng từ Texas rất hấp dẫn, nhưng Liêm muốn bỏ ra hai năm để chuyên tâm theo đuổi cờ vua, sau đó dùng tiền kiếm được để theo đuổi việc học hành. Bất ngờ là năm 2013, Liêm lại được ĐH Webster tặng học bổng.
Thật ra, Quang Liêm rất suy tư về chuyện học tại ĐH Webster. Nhân tiện đang đánh giải tại Mỹ, gia đình Quang Liêm quyết định đến thăm trường để xem điều kiện ra sao. Bất ngờ là hiệu trưởng trường đề nghị gặp và cấp ngay học bổng cho Liêm. Vậy là Quang Liêm quyết định đi du học.
Trên đất Mỹ, từ thứ hai tới thứ sáu, Quang Liêm chuyên tâm cho việc học, hai ngày cuối tuần là dành cho cờ vua. Chỉ khi sắp bước vào giải đấu nào, Liêm mới bớt thời gian học để luyện thêm cờ.
Cách đây 4 năm, khi tròn 20 tuổi, anh đã trở thành Siêu Đại Kiện tướng quốc tế - danh hiệu dành cho số ít kỳ tài có hệ số elo “khủng” 2.700 điểm trở lên. Anh cũng chính là người châu Á thứ 4 chinh phục được cột mốc mà cả môn cờ chưa có nổi 50 người vươn tới này.
Thành tích sau đó của Liêm vượt xa giá trị chuyên môn vốn đã cực khó và cao, kỳ tích của Liêm đã nâng tên tuổi anh lên một tầm mức hoàn toàn khác, đứng cạnh các huyền thoại, được coi như một ngôi sao đang lên đáng chờ đợi nhất.
Không chỉ thể thao mà xét người Việt trẻ nói chung, hiếm ai được quốc tế săn đón như Liêm khi từng được mời sang đấu thuê tại các CLB hàng đầu của 4 cường quốc cờ vua thế giới, gồm Nga, Đức, Pháp và Trung Quốc. Ở bất cứ nơi nào, anh cũng đóng vai sứ giả đầy tự hào cho giới trẻ Việt, cũng như hoàn thành xuất sắc trọng trách của 1 trụ cột.
Quang Liêm còn có hoài bão lớn mang tầm quốc tế, và quan trọng hơn chính là biến nó thành thực tế bằng một ý chí, sự bền bỉ cực cao.
Không phải ngẫu nhiên, từ hình mẫu của Liêm, tại Việt Nam đã xuất hiện cả một trào lưu yêu thích và rèn tập môn cờ vua. Còn trường Đại học Webster danh tiếng của Mỹ cũng mời đích danh niềm tự hào Việt Nam sang vừa học vừa đấu cờ với một học bổng toàn phần. Họ hiểu rằng, chắc chắc anh sẽ góp phần nâng cao thương hiệu cùng sức hút cho chính nhà trường.
Quang Liêm không những vươn tới đỉnh cao cờ vua mà việc học hành cũng thành công. Anh đã có gia đình, đám cưới vào tháng 5 năm ngoái, vợ là bạn gái Nguyễn Trần Thanh Trúc tình cờ quen nhau tại một giải cờ vua vào cuối năm 2011. Anh tốt nghiệp đại học Webster (Mỹ) năm 2017, chuyên ngành tài chính kế toán như ước mơ từ nhỏ. Anh sẽ tiếp tục ở lại Mỹ thi lấy bằng CFA (chuyên gia phân tích tài chính), được xem là chứng chỉ hành nghề của giới phân tích tài chính trên thế giới.
TƯỜNG VŨ https://www.tienphong.vn