Cảm giác chung của hầu hết những người được tiếp xúc với luật cờ vây có lẽ là như bị xối một gáo nước lạnh. Gì mà chẹt khí, bắt quân, ăn quân, chạy quân, sống chết, cắt, đâm, cướp, … nghe cứ như phim chưởng. Đã vậy còn thêm cái khái niệm “đất” mơ mơ hồ hồ chả liên quan gì với mớ kiến thức về ăn quân mình vừa được học.
Nhiều người quyết định bỏ cuộc ngay từ đầu vì thấy cờ vây sao mà ô trọc quá chừng. Không được “đạo” như mong đợi. Cần phải biết, về bản chất, cờ vây là một trò chơi chiến thuật giả lập, là trò chơi đối kháng giữa hai người, ở đó nhiệm vụ của cả hai người này là đẩy đối phương vào những tình huống khó xử lý để mình tranh thủ chiếm thêm từng chút từng chút lãnh thổ trên bàn cờ.
Giống như việc quân sư của hai quốc gia điều động binh lính của mình đến chỗ này chỗ kia để chiếm cứ thêm lãnh thổ.
Thế nên ai chờ đợi ở cờ vây một “đạo” gì khác nằm ngoài việc tranh chấp và o ép nhau, thì nên suy nghĩ lại.
Nhiều người mới học cờ vây bị lầm tưởng rằng những kỹ thuật ăn quân là cái cờ vây nhắm đến. Nhưng không phải, những kỹ thuật xáp lá cà như bắt quân, ăn quân, nối cắt, nhảy, … chỉ là bề nổi của một trận cờ vây thôi.
Khi ta ăn một hay hai quân ra khỏi bàn cờ, đó chỉ là việc lặt nhặt của binh lĩnh. Khi ta dồn ép quân địch vào nơi hiểm địa, và giết chúng khi chúng không còn đường thoát, đó cũng chỉ là những kỹ thuật sau chót thuộc về một chiến thuật bao quát hơn nhiều.
Cờ vây là một trò chơi mang tầm chiến thuật rất cao. Và đây là nơi những thi vị của cờ vây được trưng bày.
Sự thú vị và hấp dẫn của cờ vây, nếu được phép so sánh, thì nó giống như việc đọc một cuốn tiểu thuyết thật dày vậy, ban đầu ta phải làm quen với các khái niệm mới, môi trường mới, tính cách mới. Sau đấy, việc đắm chìm vào mạch truyện là cả một niềm vui lớn. Tuy nó tốn kha khá thời gian và công sức, nhưng sự đền bù đáng để ta bỏ ra.
(Tuệ Trần - blogcovay.com)