Giải Vô địch Bridge Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh lần 1 - năm 2014

Ngày 17 – 18/5/2014, tại Trung tâm Đào tạo Cờ Hoàng Gia, Royal Chess Coffee (27 Trần Thiện Chánh, quận 10) đã diễn ra Giải Vô địch Bridge Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh năm 2014 với nhà tài trợ chính là Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Bích Việt (địa chỉ 41 Trần Khắc Chân, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh). Đây là giải Bridge Thể thao chính thức đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam theo đúng thể thức được nêu trong Bộ Luật Bridge Thể thao 2007.

Bridge là môn thể thao trí tuệ khá mới mẻ ở Việt Nam với số lượng người chơi còn khiêm tốn. Trong thập kỉ 80 và 90, CLB “Những Người bạn” đã tổ chức nhiều giải Bridge theo thể thức đồng đội, năm nay là lần đầu được sự công nhận và cho phép của Liên đoàn Cờ Thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự giải có bốn đội (Sông Cầu, Valse, Rumba và Sài Thành), thi đấu vòng tròn một lượt.

Môn Bridge đã xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX. Khi đó, được gọi là Bridge Rô-be, cách chơi và thể thức thi đấu không hoàn toàn giống như hiện nay. Năm 1925, với những đóng góp lớn lao của ngài Harold Stirling Vanderbilt, Bridge đã thay đổi thể thức thi đấu cũng như cách tính kết quả và có diện mạo như ngày nay. Liên đoàn Bridge Thế giới (World Bridge Federation, viết tắt WBF) được thành lập năm 1958. Chủ tịch hiện tại của WBF là ngài Gianarrigo Rona, người Italia. WBF gồm 8 Liên đoàn Khu vực (phân chia theo khu vực địa lí), 123 Tổ chức Bridge Quốc gia (National Bridge Organization, viết tắt NBO) với khoảng 700.000 thành viên (số liệu năm 2011). Trong khu vực Đông Nam Á, các nước Indonesia, Singapore, Malaysia, Thailand, Philippines là thành viên WBF (thuộc Khu vực 6, tên gọi chính thức là Liên đoàn Bridge Châu Á - Thái Bình Dương).

Năm 1996, Ủy ban Ô-lim-pích Quốc tế (IOC) chính thức công nhận Bridge là môn thể thao trí tuệ. Tại Ô-lim-pích Mùa Đông năm 2002, Bridge Thể thao đã được thi đấu biểu diễn (đội tuyển nam Indonesia xếp hạng tư đồng đội). Từ năm 1960 đến 2004, WBF tổ chức Ô-lim-pích Bridge (“World Team Olympiad”, bốn năm một lần). Hiện nay, ở tầm cỡ thế giới, môn Bridge được thi đấu trong hai hệ thống giải: Vô địch thế giới đồng đội (do WBF tổ chức hai năm một lần, tranh Bermuda Bowl Cup, d’Orsi Bowl Cup và Venice Cup), Vô địch Thế giới các môn Thể thao trí tuệ (bốn năm một lần, cùng với các môn Cờ Vua, Cờ Tướng và Cờ Vây). Tại SEA Games 26 (Indonesia năm 2011), Bridge là môn thi đấu chính thức.

Ông Hoàng Đình Hồng, huấn luyện viên đội tuyển cờ quốc gia đã đến dự khai mạc và phát biểu với các vận động viên. Ông Hoàng Đình Hồng (dẫn dắt đội tuyển cờ Việt Nam tham gia “Giải Vô địch Thế giới các môn thể thao Trí tuệ” lần I và II) cho biết: số vận động viên tranh tài ở các môn cờ chỉ bằng non nửa số vận động viên tham gia môn Bridge (hơn 2000 người). Điều đó chứng tỏ sức hấp dẫn và sự phổ biến của môn này trên thế giới.

Với sự ủng hộ của các ông Nguyễn Phước Trung (Tổng thư kí Liên đoàn Cờ Việt nam) và Trương Đức Chiến (Tổng thư kí Liên đoàn Cờ Thành phố Hồ Chí Minh), chỉ trong chưa đầy hai năm, môn Bridge đã có những bước tiến dài. Số lượng vận động viên tăng nhanh chóng, xuất hiện thêm nhiều câu lạc bộ. Nếu điều kiện cơ sở vật chất phong phú hơn thì số đội tham gia giải này sẽ không phải là bốn. Ông Trương Đức Chiến cho biết, Liên đoàn thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng kế hoạch để phát triển môn Bridge mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Trước giờ khai mạc, Valse và Sông Cầu được đánh giá là hai ứng viên nặng kí cho chức vô địch nhưng đội Sài Thành (đội trưởng Bảo, Vũ, Thiên, Sơn), với một chút may mắn, đã bất ngờ dành chức vô địch bằng ba trận thắng tuyệt đối trước Valse (tỉ số 33 – 22), Sông Cầu (20 – 11) và Rumba (17 – 8). Đội Valse (đội trưởng Duy, Hòa, Thắng, Bình) hạng nhì, đội Sông Cầu (đội trưởng Đạt, Dũng, Thịnh, Nhân) hạng ba. Đội Rumba (đội trưởng Đàn, Long, Thái, Đông) đoạt giải khuyến khích.

Bridge2014 Bridge2014 Bridge2014

Trong trận gặp Valse, trước hai ván cuối, Sài Thành vẫn bị dẫn điểm nhưng đôi Thắng – Bình đã thi đấu không thành công, giúp Sài Thành lật ngược thế trận. Trận Sông Cầu– Sài Thành cũng rất kịch tính và chỉ ngã ngũ ở ván cuối khi Sài Thành ghi được 7 IMP (mans chủ cơ, ăn 12 nước) còn Sông Cầu không thành công (hiệp ước 3He, ăn được 10 nước).

Ở loạt trận thứ ba, tâm điểm chú ý là cuộc đối đầu giữa Sông Cầu và Valse nhưng sự xuống sức của các lão tướng đã khiến Valse chiếm ưu thế với cách biệt rất lớn (Valse thắng 41 – 24). Ngược lại, trận Sài Thành – Rumba (vốn không được quan tâm do Rumba có toàn đấu thủ mới và thi đấu không ấn tượng trong hai trận trước) lại rất căng thẳng và thêm một lần nữa Sài Thành lội ngược dòng thành công.

Nhìn chung, các vận động viên có trình độ kĩ – chiến thuật chưa cao, tâm lí thi đấu chưa ổn định nhưng đó là kết quả bình thường do nhiều đấu thủ mới luyện tập môn này trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều đấu thủ trẻ có triển vọng như Hoàng Vĩnh Hòa, Nguyễn Thị Kim Long. Những đấu thủ kì cựu, như Nguyễn Hữu Đạt và Nguyễn Anh Dũng, vẫn thể hiện được khả năng rao giá khá hoàn chỉnh, tấn công và phòng thủ chặt chẽ, thông minh. Trong số những đấu thủ mới luyện tập, Lê Mai Duy và Hoàng Nam Thắng tỏ ra trội hơn trong tấn công cũng như phòng thủ.

Danh sách các đội

1. Sông Cầu (kí hiệu đội B): Nguyễn Hữu Đạt (đội trưởng), Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Hữu Thịnh, Trương Chí Nhân.

2. Valse (kí hiệu đội C): Lê Mai Duy (đội trưởng), Hoàng Vĩnh Hòa, Hoàng Nam Thắng, Đỗ Khánh Bình.

3. Rumba (kí hiệu đội A): Hà Thị Đàn (đội trưởng), Nguyễn Thị Kim Long, Tô Phước Thái, Huỳnh Rạng Đông.

4. Sài Thành (kí hiệu đội D): Nguyễn Đức Bảo (đội trưởng), Trần Tuấn Vũ, Hoàng Thiên, Nguyễn Anh Sơn.

Số liệu kỹ thuật

Loạt trận thứ nhất

- B thắng A với tỉ số 36 IMP – 11 IMP;
- D thắng C với tỉ số 33 IMP – 22 IMP;

Loạt trận thứ hai

- C thắng A với tỉ số 35 IMP – 6 IMP;
- D thắng B với tỉ số 20 IMP – 11 IMP;

Loạt trận thứ ba

- D thắng A với tỉ số 17 IMP – 8 IMP;
- C thắng B với tỉ số 41 IMP – 24 IMP;

Xếp hạng chung cuộc Vô địch: Sài Thành (ba trận thắng); Hạng nhì: Valse (hai thắng, một thua); Hạng ba: sông Cầu (một thắng, hai thua); Giải khuyến khích: Rumba.

ĐIỀU LỆ
GIẢI VÔ ĐỊCH BRIDGE THỂ THAO NĂM 2014

Điều 1. Mục đích – ý nghĩa
- Tạo sân chơi, gặp gỡ, giao lưu cho mọi người hâm mộ môn Bridge Thể thao, góp phần xây dựng phong trào Bridge Thể thao tại Việt Nam. - Tạo điều kiện thi đấu, rèn luyện và nâng cao trình độ cho mọi người chơi Bridge Thể thao.

Điều 2. Đối tượng – điều kiện tham dự
- Tất cả mọi giới, mọi lứa tuổi hâm mộ môn Bridge Thể thao, đang sinh sống, làm việc và học tập tại Việt Nam.

Điều 3. Nội dung – tính chất thi đấu
3.1 Thể thức thi đấu

- Theo thể thức đồng đội. Mỗi đội gồm hai đôi (không quá hai đấu thủ dự bị). Khi không trực tiếp thi đấu, các đấu thủ dự bị tuân thủ quy chế dành cho khán giả. Đấu thủ dự bị được phép thay thế sau mỗi trận hoặc khi được trọng tài đồng ý. - Nếu có hai đội: thi đấu một trận 16 ván; - Nếu có ba hoặc bốn đội: thi đấu vòng tròn một lượt, trận 8 ván.

- Áp dụng Bộ Luật Bridge Thể thao 2007 (2007 Laws Of Duplicate Bridge) của Liên đoàn Bridge Thế giới (World Bridge Federation, WBF), (bản tiếng Việt tại website https://www.bridgegamevn.com).

3.2 Cách tính kết quả

- Khi có hai đội

+ Số điểm chênh lệch từng ván được quy đổi thành Điểm trận quốc tế (IMP).

+ Đội có số IMP nhiều hơn sẽ dành chiến thắng trận. Nếu hai đội có tổng số IMP bằng nhau: thi đấu ván bổ sung để phân định thắng - thua.

- Khi có từ ba đội tham gia, đội có số trận thắng nhiều hơn sẽ xếp hạng cao hơn.

- Khi có từ hai đội có số trận thắng bằng nhau, sẽ xét kết quả thi đấu đối kháng để xếp hạng.

Nếu cần các biện pháp khác để xác định thứ hạng, quyết định cuối cùng thuộc về trọng tài chính.

Điều 4. Thời gian – địa điểm
- Các đơn vị , cá nhân gửi danh sách đăng ký tham dự trước ngày 17/5, gửi về Câu lạc bộ Bridge Thể Thao “Những Người Bạn” - Trung tâm đào tạo Cờ Hoàng Gia, số 27 đường Trần Thiện Chánh, phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh; email: thien@vietnamchess.vn, hoặc liên hệ thông tin chi tiết và đăng ký trực tiếp Ông Nguyễn Anh Sơn - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bridge Thể Thao “Những Người Bạn”, điện thoại: 0977711911; Ông Hoàng Thiên – Trưởng Ban Trọng tài Liên đoàn Cờ Thành Phố Hồ Chí Minh, điện thoại: 01234500186.

- Họp kỹ thuật: 15 giờ 00 ngày 17/5/2014, tại Câu lạc bộ Bridge Thể Thao “Những Người Bạn”, Trung tâm đào tạo Cờ Hoàng Gia, số 27 Trần Thiện Chánh, phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh (Bắt buộc đối với tất cả các vận động viên).

- Thời gian thi đấu: ngày 18/5/2014, sáng 8h00, chiều 15h00. - Địa điểm: tại Câu lạc bộ Bridge Thể Thao “Những Người Bạn” - Trung tâm đào tạo Cờ Hoàng Gia, số 27 Trần Thiện Chánh, phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 5. Khen thưởng – Kỷ luật
5.1. Khen thưởng Ban Tổ chức sẽ trao phần thưởng cho các giải sau: a. Giải đồng đội: Hạng nhất, hạng nhì, hạng ba, 1 giải khuyến khích. b. Giải cá nhân: - Đấu thủ tấn công xuất sắc nhất. - Đấu thủ phòng ngự xuất sắc nhất.

5.2. Kỷ luật - Các đơn vị, cá nhân đăng ký trễ hạn, không tham dự buổi họp kỹ thuật, sẽ không được tham gia thi đấu. - Các vận động viên phạm luật trong thi đấu sẽ do trọng tài chính quyết định hình thức phạt tùy theo mức độ vi phạm.