Bài 1: Thế nào là hệ số Elo
Thực hiện: Tứ Thiên
Vào những ngày Tết vừa qua, khi Đại kiện tướng Lê Quang Liêm độc chiếm giải nhất tại Aeroflot open 2010, đạt hiệu suất thi đấu cao nhất trong lịch sử của giải với 2872 trong khi hệ số Elo lúc đó của Liêm chỉ mới 2647, nhiều bạn đọc đã gửi thư đến chúng tôi đề nghị giải thích thế nào là hệ số Elo? thế nào là hiệu suất? Phần lớn mọi người cho rằng mình chỉ hiểu lờ mờ về nó và chỉ biết sơ sơ là một kỳ thủ giỏi hơn sẽ có hệ số Elo cao hơn một kỳ thủ khác mà thôi.
Sắp tới TPHCM sẽ tổ chức nhiều giải để tính Elo, Liên đoàn Cờ quốc gia cũng dự kiến đưa toàn bộ các giải cờ vua tiêu chuẩn trong nước vào hệ thống của FIDE (Liên đoàn Cờ vua thế giới) để tính hệ số Elo cho các kỳ thủ Việt Nam từ năm 2010, do đó chúng tôi nhận thấy rằng đây là lúc thích hợp để giải đáp một số thắc mắc của những người hâm mộ bộ môn cờ vua về con số Elo “khó hiểu” này.
Sỡ dĩ chúng tôi cho rằng nó “khó hiểu” vì trên trang web của FIDE đã có đưa thông tin và cách tính đầy đủ về nó; Tuy nhiên cách trình bày của FIDE bằng tiếng Anh theo dạng “luật” với ngôn ngữ “Hàn lâm”, nên khá khô cứng và khó nuốt, mà ở đó chỉ có các nhà chuyên môn về tính toán hệ số hoặc những ai có quan tâm nghiên cứu kỹ mới hiểu nỗi, còn phần lớn mọi người chắc là sẽ mở ra xem được vài dòng rồi đóng lại.
Đa phần các kỳ thủ Việt Nam mà chúng tôi tiếp xúc và hỏi thì cũng chỉ biết trả lời rằng: “Ờ! Tôi có số Elo đấy, khi thi đấu Elo tôi có thay đổi thế nào thì để mấy bác trên ấy tính hộ”. Mấy anh giỏi tin học hơn một chút thì đưa dữ liệu vào chương trình bốc thăm để nó tự động tính cho nó khoẻ, dễ dàng như làm quảng cáo cái túi bột giặt bay qua người một cô gái tạo thành một vệt trắng xoá, thế rồi hô lên “Ngạc nhiên chưa!”.
Dựa vào các quy định của Luật FIDE, rồi lượm lặt các “văn bản hướng dẫn” về hệ số Elo trên kho tàng Internet, cộng với một số hiểu biết chút chút của mình, chúng tôi cố tổng hợp và sắp xếp bố cục để diễn giải về hệ số Elo sao cho dễ hiểu nhất.
Các tên gọi, chỉ số và tiêu chí gốc của hệ thống tính Elo của FIDE đều bằng tiếng Anh, phần lớn các từ này không có trong tự điển hoặc nếu có cũng mang nghĩa không thích hợp với bộ môn cờ do đó sẽ rất khó chuyển ngữ chúng sang tiếng Việt. Người Việt mình có thói quen dịch tiếng nước ngoài ra tiếng mẹ đẻ theo kiểu riêng của mình, có đôi khi từ được dịch và từ gốc chẳng ăn nhằm gì với nhau, miễn là đa số nghe được, đọc được và hiểu được là đủ. Như vậy những gì mà tôi chuyển ngữ trong bài viết này cũng sẽ theo cái thói quen đó với hy vọng rằng các bạn sẽ chấp nhận. Biết đâu trong tương lai những từ Việt đẹp đẽ này sẽ trở thành một nhóm từ mới trong kho tàng ngôn ngữ giàu trí tưởng tượng của nhân loại, lúc ấy đừng có kêu lên là "bác nào dịch bậy" đấy nhé!
Chúng tôi cũng hy vọng rằng phần trình bày dưới đây không những sẽ giúp cho các bạn hiểu được về hệ số Elo mà còn có thể bổ sung kiến thức về cách tính hệ số cho tất cả các kỳ thủ chúng ta. Ta vào chủ đề chính nào!
Elo xuất phát từ tên của Tiến sĩ Arpad Emrick Elo (1903-1992), người Mỹ gốc Hung. Ông Elo đã xây dựng nên hệ thống tính của mình dựa trên nền tảng hệ thống tính toán của một nhà tổ chức cờ vua Kenneth Harkness (1896-1972), người Mỹ gốc Scotland. Như vậy hệ thống tính này có công của 2 người, nhưng người ta quen gọi tên của ông Elo vì cách tính của ông đã được hoàn thiện và gần với cách tính ngày nay.
Hệ thống Elo hiện tại được áp dụng cho nhiều môn thể thao khác nhau, tôi không nhớ là bao nhiêu môn. Riêng ở môn cờ vua thì FIDE đã có bổ sung thêm một số công thức tính toán khác, gán thêm một số quy định và đặt tên là “Rating” & “Rating Performance” (để khỏi bị nhầm với môn khác) và áp dụng từ năm 1970.
“Rating” và “Rating Performance” là một cặp số được dùng để đánh giá một cách tương đối các đấu thủ cờ vua trên thế giới mà ta quen gọi là hệ số Elo và hiệu suất thi đấu. Do chủ đề trong bài này của chúng ta là giải đáp thắc mắc cho bạn đọc vì vậy ở đây ta sẽ bắt đầu bằng việc giải thích 2 dạng số này của FIDE nhé:
1. Rating: cho ta biết sức mạnh của một kỳ thủ. Ví dụ như “Rating” của một đấu thủ A là 2500, đấu thủ B là 2100 cho ta biết rằng đấu thủ A có sức cờ mạnh hơn đấu thủ B. Với Rating như vậy, trong thi đấu thường thì A sẽ thắng B; Tuy nhiên có đôi khi A cũng bị B bắt bí, lúc đó hệ số “Rating” của B sẽ tăng và của A sẽ giảm. FIDE dựa vào “rating” để xếp hạng cho các đấu thủ trên thế giới hoặc để xếp hạt nhân cho một giải thi đấu nào đó. Như vậy “Rating” là một con số thể hiện sức mạnh tương đối của một kỳ thủ.
“Mạnh” tiếng Hán là “Cường”, người Việt mình hay đặt tên con theo từ Hán như Lâm, Hải, Long v.v… thay vì là Rừng, Biển, Rồng; Do đó tôi cũng xin dịch từ “Rating” này sang tiếng Hán Việt là “Cường số” cho nó hoành tráng vậy. Hỵ vọng từ này sẽ dễ chấp nhận cho các bạn nào yêu tiếng Việt, chắc là được phải không các bạn. Như vậy kể từ đây tôi gọi “Rating” là “cường số”, bạn nào không thích thì có thể dùng mọi biện pháp tin học để đổi các thuật ngữ này ra theo ý riêng của mình thì khi đọc sẽ không bị chướng mắt vậy.
2. Rating Performance: đây cũng là một con số giống như “cường số” nhưng nó có giá trị chỉ trong một giải thi đấu. FIDE căn cứ vào “cường số” ban đầu, cùng với kết quả thi đấu của các đấu thủ trong một giải, rồi làm một vài phép toán đại số sẽ cho ra một nhóm số khác để đánh giá khả năng đẳng cấp của đấu thủ trong giải thi đấu đó gọi là “Rating Performance”, tạm dịch là “hiệu suất”.
Ví dụ như “hiệu suất” (Rating Performance) của bạn trong một giải là 2570, có nghĩa là bạn thể hiện trình độ thi đấu của mình ở giải đó cỡ “kiện tướng quốc tế”. Như vừa rồi Lê Quang Liêm đạt “hiệu suất” ở Aeroflot Open là 2872, tức là ở đó Liêm đạt trình độ thi đấu ở tầm cỡ vô địch thế giới, hàng siêu đại kiện tướng. Các báo đài trên thế giới ca ngợi Liêm hết lời cũng là vì cái con số hiệu suất 2872.
Tiếp tục nhé! Theo quy định của FIDE, nếu như “hiệu suất” của bạn ở một giải quốc tế đạt 2450, bạn sẽ có 1 chuẩn kiện tướng quốc tế, tiếng Anh là “Norm”, bạn sẽ nhận được 1 cái giấy chứng nhận chuẩn kiện tướng quốc tế (tất nhiên là phải có vài điều kiện khác về luật kèm theo giải); Hoặc nếu bạn có hiệu suất thi đấu là 2600 bạn sẽ có 1 chuẩn Đại kiện tướng đấy. Sướng chưa!
Như vậy “cường số” và “hiệu suất” có quan hệ với nhau và được sử dụng cho 2 mục đích khác nhau trong hệ thống của FIDE; Một để đánh giá sức mạnh của đấu thủ và thể hiện trên bảng xếp hạt nhân định kỳ của FIDE 2 tháng 1 lần; Một để đánh giá khả năng của các đấu thủ và chỉ thể hiện trong một giải thi đấu.
Trên đây là phần trình bày giải thích về “Cường số” và “Hiệu suất”. Hy vọng là tôi không đi quá nhanh và vắn tắt đến mức không thể hiểu được.
Nếu bạn chỉ cần tìm hiểu thôi thì có thể tạm dừng ở đây được rồi; Riêng các nhà chuyên môn, tôi đề nghị các bạn hãy đón đọc tiếp các phần tiếp theo trình bày cách tính của 2 dạng số này.
Hẹn gặp lại các bạn ở bài 2 “Cách tính cường số”.