Hướng dẫn sử dụng chương trình SwissManager - Bài 3

Bài 3: Bốc thăm cho một Giải cá nhân

Thực hiện: IA, IO Nguyễn Phước Trung

Để có thể thực hành bốc thăm một cách tốt nhất trên SwissManager, trước tiên bạn nên có kiến thức về nguyên tắc bốc thăm của Hệ Thụy sĩ (Swiss system) hoặc Hệ vòng tròn (Round Robin). Các quy định về cách bốc thăm của 2 hệ này có thể dễ dàng tìm thấy ở các trang web về cờ vua trên thế giới hoặc trên Handbook của FIDE https://www.fide.com/component/handbook/?id=18&view=category https://www.fide.com/component/handbook/?id=20&view=category với ngôn ngữ thường thấy là tiếng Anh (khi nào có dịp tôi sẽ chuyển ngữ các lý thuyết này sang tiếng Việt, bây giờ thì bạn chịu khó đọc tiếng Anh vậy).

Việc hiểu rõ các lý thuyết này rất quan trọng, vì có như thế bạn mới có thể dễ dàng giải đáp thắc mắc của các đấu thủ mà không cần đổ lỗi là "do máy bốc". Hoặc nếu là đấu thủ thì bạn sẽ không cần hỏi Ban trọng tài những câu khó chịu như là "tại sao tôi không gặp A mà phải gặp B".


Giờ ta hãy bắt đầu vào việc bốc thăm ván đầu tiên cho một giải đấu theo Hệ Thụy Sĩ

Sau khi đã thiết lập các thông số cho một giải và nhập danh sách các đấu thủ tham dự xong, ta có thể bắt đầu thực hiện việc bốc thăm để xếp các cặp thi đấu.

Trước khi bốc thăm ván đấu đầu tiên, tốt nhất là bạn nên in danh sách đấu thủ xếp theo họ tên để kiểm tra xem đấu thủ có bị trùng lặp hoặc thiếu hay không và một danh sách đã xếp theo hạt nhân để kiểm tra lại cường số có đúng không. Bạn có thể xem danh sách này qua trình đơn {Lists/Alphabetical} và {Lists/Starting Rank}.

Nếu danh sách bị sai, bạn có thể sửa chữa lại bằng cách truy xuất trình đơn {Input/Players...} hoặc {Input/Input Players...} và thay đổi dữ liệu bị sai ngay trên hộp thoại danh sách đấu thủ.

Tại cuộc họp kỹ thuật (hoặc họp bốc thăm), bạn phải xác định được màu quân cho đấu thủ có số hạt nhân cao nhất (Trắng, Đen hay ngẫu nhiên). Sau khi đã có các thông số này, ta bắt đầu bốc thăm cho ván đấu đầu tiên.
Lúc này nếu truy xuất trình đơn {Rd} thì chắc rằng bạn sẽ thấy dấu chọn nằm ngay ván số 0 như hình 15 bên dưới
 
Hình 15: Trình đơn {Rd} lúc chưa bốc thăm ván nào

Với trình đơn {Pairing/Pairings Menu...} hoặc ấn phím <F6> bạn sẽ thấy một hộp thoại bốc thăm cho ván 1 (Pairings for round 1) xuất hiện như hình 16 bên dưới:


Hình 16: Hộp thoại bốc thăm

Phần khung màu trắng nằm bên trái hộp thoại là nơi hiển thị các cảnh báo, thông báo hoặc báo cáo của SwissManager trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bốc thăm. Ví dụ như trong hình 16, SwissManager cảnh báo rằng danh sách đấu thủ chưa được sắp xếp theo hạt nhân và có một đấu thủ tên Peter sẽ không được bốc thăm cho vòng 1.

Phần khung bên phải (Pairing system) phía trên của hộp thoại cho phép chọn các hệ thống bốc thăm khác nhau gồm:

  • FIDE: Chương trình cơ bản theo hệ Thụy sĩ của FIDE.
  • Olympiad-Mode: Hệ thống bốc thăm dành cho Olympiad. Hệ thống này chỉ dành riêng cho một số người dùng.
  • EM-Mode: Hệ thống dành cho Giải vô địch châu Âu. Hệ thống này cũng chỉ dành riêng cho một số người dùng.
  • Evaluation System: Hệ thống cổ điển trước khi có quy định của FIDE nên đã không còn áp dụng từ tháng 4 năm 2004.

Phần tùy chọn các phương án bốc thăm (Pairing Options) gồm:

  • None: bốc thăm theo cách thông thường.
  • Split pairings (chia nhánh): Với tùy chọn này chương trình sẽ chia đôi danh sách ban đầu của đấu thủ ra làm 2 nhóm và bốc thăm độc lập trong nội bộ 2 nhóm với nhau.
    Ví dụ nếu ta có 100 đấu thủ thì sẽ bốc thăm như sau: nhóm 1: 1-26, 2-27, ..., 25-50; nhóm 2: 51-76, 52-77,..., 75-100 (ở đây tôi không ghi ra theo màu quân).
    Tùy chọn này chỉ có tác dụng ở 2 ván đấu đầu tiên với ít nhất 20 đấu thủ. Sau đó chương trình sẽ tự gộp lại thành một nhóm và bốc thăm như bình thường. Mục đích của việc này nhằm để tránh cho các đấu thủ cần tranh đẳng cấp thi đấu với các đấu thủ không có cường số Elo.
  • Accelerated System (tăng cường) chỉ tác dụng với Hệ Thụy sĩ cá nhân: Tùy chọn này tương tự như "Split pairings" ở trên. Căn cứ vào thứ tự xếp hạt nhân, các đấu thủ sẽ được gán cho một số điểm giả định trước khi bốc thăm cho 2 vòng đấu đầu tiên (thường là các đấu thủ mạnh nằm ở top 50% danh sách được cộng trước 2 điểm). Sau 2 ván đấu thì việc bốc thăm sẽ trở lại như bình thường.
    Kết quả bốc thăm của phương án này cũng sẽ giống như chia nhánh, tuy nhiên ở đây bạn có thể thay đổi tùy ý số % các nhóm đấu thủ, số điểm giả định là bao nhiêu và số vòng tăng cường điểm giả định là mấy vòng bằng cách bấm nút [Change parameters].
    Cách bốc thăm này nhằm tránh cho các đấu thủ mạnh gặp đấu thủ quá yếu trong một giải quá đông người tham dự nhưng có ít ván đấu; Giải Gibraltar mà Lê Quang Liêm tham dự hồi đầu năm 2012 đã áp dụng phương pháp bốc thăm này.

Các tùy chọn khác gồm:

  •  Protect round (tránh đồng đội): Nếu dùng tùy chọn này chương trình sẽ tránh không bốc thăm các đấu thủ trong cùng một đội gặp nhau, với điều kiện bạn phải xác định để SwissManager biết ai là cùng một đội bằng cách nhập số định danh của đội đó cho từng đấu thủ trong cột CNo tại hộp nhập dữ liệu đấu thủ (bấm <Ctrl+F6>). Cách này chỉ nên sử dụng trong những trường hợp đặc biệt hoặc cho những giải đông người tham gia vì chắc rằng nó sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định kết quả chuyên môn. Hiện nay phần lớn các Giải trên thế giới và của TPHCM, người ta không bốc thăm tránh đồng đội ở các ván cuối cùng; Riêng các Giải quốc gia của Việt Nam và các Giải trẻ Đông Nam Á vẫn còn dùng phương pháp này.
  •  No forbidden Pairings (tránh gặp nhau): Sử dụng trình đơn {Pairing/Forbidden Pairings...} nếu bạn muốn tránh bốc thăm giữa một số đấu thủ với nhau. Khi truy xuất trình đơn này sẽ thấy một hộp thoại danh sách đấu thủ, bạn hãy bấm vào tên đấu thủ cần thiết, sau đó chọn đấu thủ cần tránh ở một hộp thoại khác vừa mới vừa xuất hiện. Trở lại hộp thoại bốc thăm (ấn phím <F6>), nếu tùy chọn "No forbidden Pairings" được chọn thì các đấu thủ mà bạn đã chọn lúc trước tại hộp thoại "Forbidden pairings" sẽ không gặp nhau.
    Lưu ý: Nếu bạn đã chọn một số đấu thủ trong "Forbidden pairings", nhưng tùy chọn "No forbidden Pairings" không kích hoạt thì sẽ có một dòng gợi nhớ có liên quan đến "Forbidden pairings" hiển thị ở khung bên trái của hộp thoại.
  •  * Bye weakest participant (đấu thủ yếu nhất được miễn đấu): Khi chọn phương án này, đấu thủ được miễn đấu sẽ được xác định là đấu thủ có số điểm thấp nhất hoặc xếp hạng thấp nhất, với điều kiện là anh ta chưa được miễn đấu lần nào hoặc chưa thắng ván nào nhờ đối phương bỏ cuộc. Trường hợp ta cho miễn đấu nhưng không cho điểm (xác định ở tham số bye trong hộp thoại nhập thông số của giải) thì đấu thủ này được tính như là một lần đánh lên (thấp đánh với cao) và SwissManager sẽ tự tính màu quân phù hợp cho lần bốc thăm ván kế tiếp.
  • Pairing according to the Tie-Break (instead of Startrank): Tùy chọn này để xác định việc bốc thăm sẽ căn cứ theo thứ hạng hiện tại, tức là đã tính hệ số phụ, chứ không theo số thứ tự hạt nhân.
  • Ignore color: Đây là tùy chọn mới của phiên bản Swiss-manager từ ngày 7-1-2012.Với tùy chọn này, Swissmanager sẽ không xét đến màu quân của các ván thi đấu trước mà chỉ bốc thăm theo nhóm điểm. Hiện FIDE đang xem xét hệ thống bốc thăm này và dự kiến sẽ áp dụng trong tương lai.Với tùy chọn này ta có thể áp dụng rất tốt cho việc bốc thăm các giải cá nhân của môn Cờ vây.
  • Color no. 1 (màu quân cho hạt nhân số 1): xác định màu quân ván đầu tiên cho đấu thủ xếp hạt nhân số 1 của giải.
    Có 3 tùy chọn: ngầm định là Random - ngẫu nhiên; quân Trắng - White quân Đen - Black. Màu quân cho đấu thủ số 1 này thường được bốc thăm trong các cuộc họp kỹ thuật trước giải đấu.

Sau khi đã chọn đúng các thông số như trên, bạn bấm vào nút [Start] để tiến hành bốc thăm. SwissManager sẽ tính toán trong chớp mắt và một thông báo hoàn thành công việc bốc thăm sẽ hiển thị ở khung bên trái. Ở khung bên phải sẽ hiện rõ 2 nút lệnh:

+ Bấm nút [OK] để chấp nhận hoàn thành bốc thăm và thoát khỏi hộp thoại;

+ Bấm nút [change] nếu bạn muốn thiết lập lại thông số khác để bốc thăm một lần nữa.

Sau khi bốc thăm xong, bạn truy xuất trình đơn {Lists/pairings} hoặc ấn phím <F10>, sẽ có một bảng danh sách kết quả bốc thăm ván 1 như hình bên dưới.


Hình 17: Bảng kết quả bốc thăm

Đến đây bạn hãy bấm nút [Print] để in bảng bốc thăm ra giấy (cần chắc chắn là đã chọn loại máy in hiện hành cho chương trình ở trình đơn {File/Printer setup})

Như vậy là ta đã bốc thăm xong ván thứ nhất. Sau khi ván 1 kết thúc, bạn nhập điểm vào cho các cặp đấu và tiếp tục bốc thăm ván thứ 2 cũng theo trình tự như trên cho đến ván cuối cùng.

Lưu ý: Trong quá trình thực hành bạn hãy nhớ thường xuyên bấm nút [save] (biểu tượng hình dĩa mềm) hoặc bấm <Ctrl+s> để lưu lại các công việc đã thực hiện.

Việc nhập điểm sẽ không khó khăn nhiều, bạn chỉ cần cẩn thận để tránh không nhập nhầm kết quả.

Để nhập điểm kết quả thi đấu bạn hãy truy xuất trình đơn {Input/Results} hoặc ấn phím <F7> để có một hộp thoại như hình dưới đây:


Hình 18: Hộp nhập kết quả thi đấu

Như hình 18 bạn sẽ thấy thứ tự vị trí từng cặp trong bảng nhập kết quả thi đấu cũng sẽ giống y như bảng danh sách kết quả bốc thăm.

Có 2 cách nhập kết quả thi đấu như sau:

  • Từ trên xuống: bạn có thể nhập kết quả thi đấu bằng cách bấm chuột với các nút lệnh có điểm tương ứng (phần khoanh màu đỏ ở khung bên phải). Sau khi nhập kết quả cho một cặp, con trỏ sẽ tự động chuyển xuống dòng kế tiếp để nhập kết quả cho cặp kế tiếp và cứ như thế cho đến cuối bảng. Cách này sẽ thích hợp với bảng danh sách đã có toàn bộ kết quả thi đấu rồi.
  • Nhập kết quả riêng lẻ: Đối với các giải đấu nhanh mà kết quả thi đấu được mang đến liên tục, tốt hơn hết là bạn nên nhập kết quả ngay bằng cách tìm tên đấu thủ hoặc số thứ tự hạt nhân tại hộp "name or code" rồi  bấm <Enter>, thường chỉ cần đánh 2 hoặc 3 ký tự đầu là đủ, tất cả các cặp khớp với các ký tự trong "name or code" sẽ được hiển thị. Các cặp đấu cũng có thể dễ dàng tìm thấy bằng cách chọn trực tiếp bằng phím mũi tên lên hay xuống hoặc bằng chuột. Bây giờ bạn có thể nhập kết quả thi đấu bằng cách bấm vào nút điểm tương ứng ở khung bên phải tương tự như cách 1 bên trên.

Ở các giải thi đấu tại Việt Nam thường thì ban thư ký trọng tài hay nhập kết quả khi toàn bộ ván đấu đã kết thúc theo phương án "từ trên xuống"  để dễ dàng thao tác trên bàn phím. Bạn hãy thử xem cách làm này có dễ dàng và nhanh chóng không nhé.

  • Đầu tiên cần đảm bảo rằng toàn bộ kết quả chưa được nhập cho cặp đấu nào. Nếu lỡ nhập rồi thì bạn hãy bấm chuột vào vị trí kết quả của cặp đó, sau đó bấm nút [Emty] ở khung bên phải, cứ như thế cho đến khi trả lại bảng điểm còn trống như ban đầu. Sau đó bấm nút [All] để hiển thị đầy đủ các cặp đấu và đưa vị trí con trỏ về vị trí của cặp đầu tiên.
  •  Bây giờ tay trái bạn cầm bảng ghi điểm của thư ký và tay phải đặt tay lên bàn phím số sao cho 3 ngón tay từ trỏ đến áp út đặt trên 3 phím số <1>, <2> và <3> (nếu bạn thuận tay phải hoặc  nếu thuận tay trái thì đặt ngược lại).
  • Tuần tự bạn xem kết quả trên bảng giấy ở tay trái và thao tác ở các ngón tay bên phải, tương ứng với phím số <1> là 1-0 (Trắng thắng), phím số <2> là ½-½ (hòa), phím số <3> là 0-1 (Đen thắng); thỉnh thoảng cũng có khi dùng phím <4> là 1-0F (Đen bỏ cuộc), phím <5> là 0F-1 (Trắng bỏ cuộc) và 6 là 0F-0F (cả 2 đấu thủ không đến). Mỗi lần bạn nhập xong một kết quả, con trỏ sẽ tự động xuống 1 dòng để bạn nhập điểm cho cặp đấu kế tiếp, cứ như vậy cho đến cặp đấu cuối cùng.

Lưu ý là phải nhập 1-0F hoặc 0F-1 hoặc 0F-0F cho các trường hợp bỏ cuộc. Theo quy định thì người thắng nhờ đấu thủ bỏ cuộc sẽ được xem như một lần miễn đấu. Trong trường hợp giải có tính cường số FIDE thì các ván đấu có kết quả 0F sẽ không được tính cường số.

Tại các giải quốc tế thì việc nhập kết quả theo phương pháp "từ trên xuống" sẽ không ổn vì người theo dõi diễn tiến của giải có thể ở nhiều nơi trên thế giới và như vậy kết quả điểm phải cần nhập vào cho từng ván khi vừa đấu xong, sau đó tải lên mạng chess-results.com ngay (ta sẽ bàn về việc tải lên mạng internet ở bài học khác).

Trở lại bảng nhập điểm ở vòng 1 lúc còn trống, cũng với nhưng thao tác tương tự như trên nhưng thay vì nhập điểm hàng loạt, bạn phải nhập điểm cho từng ván một ngay sau khi kết thúc bằng cách bấm chuột vào ngay cặp đấu vừa xong, cho kết quả vào và bấm  [Upload Chess-Results]. Như vậy nếu người xem trên internet truy xuất trang web của bạn thì họ sẽ thấy ngay kết quả mới.

Sau khi nhập kết quả cho cặp đấu vừa xong bạn có thể nhập điểm cho cặp khác cũng với thao tác y như vậy. Để thuận tiện hơn bạn nên bấm nút [Missing] yêu cầu SwissManager chỉ hiển thị các cặp đấu chưa nhập kết quả mà thôi.

Sau khi nhập xong kết quả bạn bấm nút [End] để thoát khỏi hộp thoại, hoàn thành nhập kết quả thi đấu của ván 1.
Lúc này nếu truy xuất trình đơn {Rd} bạn sẽ thấy dấu chọn đang ở ván số 1 như hình dưới, .


Hình 19: Trình đơn {Rd} đang ở vị trí ván thứ nhất

  • Để xem lại kết quả đã nhập, ấn phím <F9>;
  • Để xem thứ hạng sau mỗi vòng đấu, ấn phím <F5>;
  • Để bốc thăm cho ván 2 hoặc các ván kế tiếp hãy ấn phím <F6> và tiếp tục thực hiện các thao tác mà tôi đã trình bày như trên.

Tiếp theo ta hãy xem xét cách bốc thăm cho một Giải theo hệ vòng tròn Round Robin

Hệ vòng tròn là một thể thức thi đấu mà ở đó tất cả các đấu thủ trong giải sẽ phải gặp nhau ít nhất một lần. Thường hệ này chỉ dành cho những giải có ít đấu thủ tham dự, ví dụ như 8 người thì đấu 7 ván, 10 người thì 9 ván, 18 người thì 17 ván v.v...

Để có một giải theo hệ vòng tròn Round Robin bạn hãy xem lại phần đầu của bài 2 khởi tạo một giải mới.
Ở đó thay vì chọn Swiss Sytem thì bạn chọn Round Robin.


Hình 20: chọn Giải theo hệ vòng tròn Round Robin

Sau khi đã đặt tên giải, thiết lập các tham số và nhập danh sách đấu thủ xong, ta có thể bắt đầu bốc thăm cho các ván đấu của hệ vòng tròn.

Lưu ý rằng việc nhập danh sách cho các đấu thủ của hệ vòng tròn phải theo đúng danh sách có số thứ tự mà ta đã tổ chức bốc thăm tại cuộc họp kỹ thuật. Nếu lỡ nhập nhầm số thứ tự thì bạn hãy truy xuất hộp danh sách đấu thủ với trình đơn {Input/Players}, kích hoạt tùy chọn [Show in startrank order] như hình bên dưới.


Hình 21: Hộp thoại danh sách đấu thủ

Nếu muốn thay đổi số thứ tự của đấu thủ thì bấm chuột vào tên đấu thủ muốn đổi, sau đó bầm [No-1] để đưa lên một số hoặc [No+1] để đưa xuống một số.

Sau khi đã hoàn chỉnh danh sách đấu thủ ta ấn phím <F6> hoặc {Pairing/Pairing menu} để vào hộp thoại bốc thăm (Lưu ý là sau này tôi sẽ thường xuyên ghi phím tắt để bạn dễ nhớ hoặc theo quy ước cách dùng ký hiệu ở bài 2), ta có hộp thoại bốc thăm hệ vòng tròn như hình 22 dưới đây:

image22
Hình 22: Hộp bốc thăm của hệ vòng tròn

Hộp thoại trên chia ra làm 3 khung:

+ Sorting: quy định việc sắp xếp số thứ tự đấu thủ theo như thứ tự mà bạn đã nhập vào (How players were entered) hoặc do SwissManager tự xếp (Randomly by drawing). Ở đây ta chọn cái đầu tiên vì đã làm kỹ ở phần xếp thứ tự rồi.

+ Pairings: các phương án bốc thăm theo kiểu tiêu chuẩn, Rutsch hoặc theo cách thủ công. Tốt nhất là bạn nên chọn theo kiểu tiêu chuẩn (Standard round robin).

+ Round order at more than one round: nếu giải đấu vừa có lượt đi, vừa có lượt về hoặc nhiều hơn nữa thì bạn cần thiết lập tùy chọn này.
Để xác định bao nhiêu 3lượt đấu bạn hãy xem lại bài 2, phần thiết lập các thông số cho Giải đấu, tại tham số replay

  • Tùy chọn 1,2,3,...1,2,3... sẽ cho tất cả đấu thủ gặp nhau hết một lượt đi, sau đó mới gặp nhau tiếp ở lượt về.
  • Tùy chọn 1,1,2,2,3,3,... sẽ cho mỗi đấu thủ này gặp đấu thủ kia đủ lượt đi và về, sau đó mới gặp đấu thủ khác.

Sau khi thiết lập xong tùy chọn bốc thăm vòng tròn Round Robin, bạn bấm nút [OK] để bốc thăm và thoát khỏi hộp thoại, sau đó ấn phím <F10> để xem kết quả bốc thăm ván 1.

Lúc này nếu truy xuất trình đơn {Rd} bạn sẽ thấy SwissManager đã bốc thăm hết tất cả các vòng đấu. Nếu muốn xem toàn bộ bảng bốc thăm thì bạn hãy bấm chọn ván đấu cuối cùng ở trình đơn này, sau đó ấn phím <F10> ta sẽ có bảng danh sách giống như hình dưới đây.


Hình 23: Hộp kết quả bốc thăm giải vòng tròn

Bạn hãy bấm nút [Print] nếu muốn in bảng bốc thăm này.

Việc nhập kết quả cho hệ vòng tròn cũng giống như cách nhập của hệ Thụy sĩ bên trên, tuy nhiên ở hệ vòng tròn SwissManger có một tùy chọn khá hay là [Grid] cho ra một bảng điểm chéo để bạn có thể nhập trực tiếp.


Hình 24: Bảng điểm chéo với tùy chọn Grid

Như hình trên bảng điểm đang ở ván 9, những cặp đấu trong ván này được phủ màu xanh ở khung điểm ván.

Nếu bạn cho điểm vào một đấu thủ, thì SwissManager sẽ tự động gán điểm tương ứng cho đối phương ở phía chéo ngược lại. Khi điền điểm vào bảng chéo này ta vẫn có thể dùng phím số <1>, <2> và <3> như ở phần trên hoặc bấm vào các nút điểm tương ứng ở khung bên phải.

  • Sau khi nhập xong kết quả bấm nút [End] để thoát khỏi hộp thoại, hoàn thành nhập kết quả thi đấu.
  • Để xem lại kết quả đã nhập, ấn phím <F9>;
  • Để xem thứ hạng sau mỗi vòng đấu, ấn phím <F5>;

Trên đây tôi đã trình bày xong bài 3 phần cơ bản của cách bốc thăm cho một Giải thi đấu cá nhân hệ Thụy sĩ và vòng tròn.

Hẹn gặp lại các bạn ở bài 4 về cách bốc thăm cho một giải đồng đội.